VHC và ANV gặp rủi ro gì khi bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 0,09 USD/kg?

Google News

 Sau một thời gian dài được hưởng thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ, việc VHC bị áp thuế chống bán phá giá lần này là khá bất ngờ và phần nào cho thấy phía Mỹ đang tập trung vào các công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành của Việt Nam.

Kết quả sơ bộ áp dụng mức thuế 0,09 USD/kg đối với Vĩnh Hoàn và Nam Việt
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo đó, mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc CTCP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) là 0,09 USD/kg thay vì 0% như trước đây. Trong khi đó, bị đơn tự nguyện CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) cũng được hưởng mức thuế 0,09% này so với 2,39 USD/kg trước đây. Mức thuế 0,09 USD/kg là mức thấp nhất trong số các nhà xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.
VHC va ANV gap rui ro gi khi bi ap thue chong ban pha gia so bo 0,09 USD/kg?
 
Tuy nhiên, theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đây vẫn còn là kết quả sơ bộ và Mỹ vẫn có thể thay đổi mức thuế như đã từng xảy ra ở kỳ POR13 và POR14. Kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày thông báo kết quả sơ bộ (dự kiến khoảng tháng 4/2021).
Nếu kết quả sơ bộ kể trên không thay đổi trong vòng cuối cùng của Cuộc rà soát hành chính thuế chống bán phá giá của Mỹ, nhiều khả năng VHC và Biển Đông - hiện là 2 công ty độc quyền đôi tại thị trường Mỹ - sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn từ việc ANV thâm nhập thị trường này.
VHC va ANV gap rui ro gi khi bi ap thue chong ban pha gia so bo 0,09 USD/kg?-Hinh-2
 
VHC tăng thêm rủi ro khi không còn được hưởng thuế suất 0%
Mặc dù mức thuế 0,09 USD/kg là không đáng kể so với giá bán (khoảng 3,5 USD/kg) và mức thuế của các doanh nghiệp cùng ngành, KBSV đánh giá mức thuế này vẫn tăng thêm rủi ro đáng kể cho VHC.
Sau một thời gian dài được hưởng thuế chống bán phá giá 0% tại thị trường Mỹ, việc VHC bị áp thuế chống bán phá giá lần này là khá bất ngờ và phần nào cho thấy phía Mỹ đang tập trung vào các công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành của Việt Nam.
Trong tháng 10 vừa qua, Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) cũng có kết quả bất lợi đối với vụ kiện trốn thuế chống bán phá giá.
Ngoài ra, VHC cũng đang phải đối mặt với rủi ro bị áp thuế nhập khẩu 25% sau khi Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Phiên điều trần công khai về vấn đề thao túng tiền tệ của Việt Nam được diễn ra từ ngày 29/12/2020 đến ngày 8/1/2021.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHC đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2020 trong sắc xanh sau 3 phiên liên tục nhuốm sắc đỏ, tại mức 41.400 đồng/cp, ghi nhận tăng nhẹ hơn 9% trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 585.000 đơn vị mỗi phiên.
ANV có cơ hội quay lại thị trường Mỹ
Theo KBSV, nếu mức thuế cuối cùng giống với kết quả sơ bộ, ANV có khả năng cao sẽ thành công quay lại thị trường Mỹ trong năm 2021 sau khi rời thị trường này vào năm 2014 do khi đó bị đánh thuế chống bán phá giá cao.
Tuy vậy, trong kết quả sơ bộ lần này, mức thuế 0,09 USD/kg áp dụng cho ANV được lấy trực tiếp từ mức thuế của bị đơn bắt buộc là VHC và vẫn có rủi ro mức thuế cuối cùng của cả hai sẽ thay đổi.
KBSV vẫn chưa phản ánh ảnh hưởng của việc ANV quay lại thị trường Mỹ vào giá mục tiêu hiện tại do cần thêm thông tin, nhưng đánh giá kết quả sơ bộ này sẽ phản ánh tích cực vào giá cổ phiếu.
Có lẽ nhờ đó mà cổ phiếu ANV kết phiên giao dịch cuối năm bật trần lên 24.900 đồng/cp sau 3 phiên liên tiếp giảm điểm, ghi nhận tăng gần 21% trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch bình quân khá ít khi chỉ hơn 288.000 đơn vị mỗi phiên.
Minh An

>> xem thêm

Bình luận(0)