Đến thăm gia đình cụ ông U70 xứ Lạng - ông Chu Văn Nga vào một ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trò chuyện và hiểu thêm về lão nông 70 tuổi mê làm giàu này.
Ông Nga kể: Ông từng là bộ đội ở chiến trường Lào, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng, sau đó ông chuyển công tác về làm Chủ tịch HĐND phường Tam Thanh.
|
Giống gà nòi chân vàng có đặc điểm chân cao như "siêu mẫu", chân vàng, ngon và chắc thịt. |
Đến năm 1996, do kinh tế gia đình khó khăn, vợ không có nghề nghiệp ổn định, 4 con thì còn nhỏ nên ông Chu Văn Nga xin nghỉ chế độ về phát triển kinh tế gia đình. Và cũng từ đó đến nay, ông gắn cuộc đời mình với cái cuốc, với vườn tược và đàn gà chân dài như “siêu mẫu”.
“Cuộc đời tôi gắn với ruộng vườn, cây cối, đàn gà cũng nhờ thế mà đến giờ tôi thấy mình vẫn còn trẻ, còn khỏe và nhanh nhẹn nữa”, ông cười đùa.
|
Nhờ nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả mà gia đình ông Nga có thu nhập cao mỗi năm. |
Tất bật với công việc trộn thức ăn để chuẩn bị bữa chiều cho đàn gà, vừa làm ông vừa tâm sự: "Một lần tình cờ tôi xem được chương trình trên ti vi nói về các mô hình kinh tế trong đó có mô hình nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả, cũng từ đó tôi bắt đầu ấp ủ ý tưởng phát triển mô hình kinh tế chăn nuôi gà kết hợp với trồng bưởi, trồng ổi, cam Canh... trên diện tích đất của gia đình...".
Năm 2014 từ nguồn vốn 2 vợ chồng tích lũy được, ông Nga bắt tay xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gà - giống gà nòi chân vàng với quy mô trên diện tích trên 100m2 với 4 chuồng nuôi chia ra nuôi các lứa khác nhau. Nhờ nuôi lứa nọ gối lứa kia nên tháng nào gia đình ông cũng có gà thịt thương phẩm bán ra thị trường.
|
Giống gà nòi chân vàng có đặc điểm chân cao và ăn khỏe. Ông Nga thường nuôi gối nhiều lứa với các khu chuồng khác nhau. |
Gà nòi do ông Nga nuôi có chất lượng thơm ngon, an toàn nên bếp ăn của Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn tin tưởng thường xuyên nhập gà tại trại nuôi của gia đình ông.
Ông cho biết: Ban đầu mới bắt tay vào nuôi giống gà này ông chỉ dám nuôi số lượng hơn 100 con/lứa rồi dần dần số lượng đàn gà tăng lên qua các lứa. "Lúc mới nuôi cũng gặp nhiều khó khăn lắm, vốn liếng ít ỏi lại không có kinh nghiệm, đàn gà mà có dấu hiệu ốm là hai vợ chồng ăn ngủ không yên", ông nói.
Giờ đây sau nhiều năm nuôi giống gà chân dài này, ông Nga tự tin hơn với kinh nghiệm chăn nuôi của bản thân. Theo ông, chuồng trại nuôi gà phải chọn nơi cao ráo, đủ ánh sáng, thoáng khí. Muốn đàn gà phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu dịch bệnh, bên cạnh chuồng ông thiết kế thêm một sân rộng ngoài trời cho gà tắm nắng, vận động giúp thịt gà săn chắc.
Ông Nga luôn chú ý đến thời tiết, do đó chuồng gà luôn có màn che phủ, nhất là ban đêm hoặc vào những ngày mưa gió đảm bảo ấm áp, kín gió vì nếu ẩm thấp, gió lạnh, gà dễ bị các bệnh hô hấp và tiêu chảy.
|
Gà nòi do ông Nga nuôi có chất lượng thơm ngon, an toàn nên bếp ăn của Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn tin tưởng thường xuyên nhập gà tại trại nuôi của gia đình ông. |
Ông thường nuôi chung gà trống với gà mái, mật độ vừa phải. Đối với gà con mới nhập, ông cho vào chuồng úm, giữ nhiệt độ thích nghi và diện tích phù hợp, đặc biệt tuân thủ quy trình cho gà uống vắc xin và tiêm phòng dịch bệnh định kỳ.
Ông Nga cho biết: Thức ăn cho gà chủ yếu là cám, cám ngô trộn với bột đỗ tương, nhờ vậy gà chắc thịt và thơm hơn. Gà nòi chân vàng sau khi nuôi 4 – 5 tháng là có thể xuất bán ra thị trường. Lúc này, gà trống có trọng lượng từ 2 – 3kg; gà mái từ 1,4 – 2kg.
Hiện, mỗi năm ông Nga xuất bán 4 tấn gà thịt thương phẩm, tương ứng với khoảng 1.500 con gà ra thị trường với giá dao động từ 100.000 – 150.000 đồng/kg tùy con trống, mái và tùy thời điểm. Đầu ra đàn gà của gia đình ông chủ yếu là bếp ăn của Bệnh viện tỉnh nên thị trường tiêu thụ với ông không khó.
Ngoài nuôi đàn gà mỗi lứa 500 con chân dài như "siêu mẫu" gia đình ông Nga còn có vườn cây ăn quả mang lại thêm thu nhập cho gia đình.
|
Giống bưởi da xanh này ông Nga lặn lội vào miền Nam để mua giống nên quả ngon và mọng nước. |
Ông cho biết: Qua những kiến thức học hỏi được cùng với những gì thực tế, ông bàn với vợ con tiếp tục chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả còn lại sang trồng 200 gốc ổi Đài Loan, 100 cây bưởi da xanh. Vườn cây được bón phân gà ủ tơi xốp nên cây luôn xanh tươi, quả thì trĩu cành. Mỗi năm thương lái đến thu mua tại vườn, ít khi gia đình ông phải mang ra chợ bán.
“Tôi phải vào tận miền Nam học hỏi, tận mắt xem cách người ta làm rồi tự tay chọn những cây giống đẹp nhất mang về trồng. Ngày đó đúng là quá gian nan...”, ông Nga nhớ lại.
|
Vườn bưởi da xanh nhiều năm của ông Nga sai trĩu cành, đến mùa thu hoạch thương lái đến tận vườn thu mua. |
Ban đầu mới làm, vợ chồng ông cũng gặp phải không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Nhưng, nhờ những kiến thức trên báo, đài, ti vi, cùng với những chuyến đi học tập tham quan thực tế các mô hình trồng cây ăn quả ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hưng Yên... ông đã bước đầu được hái những trái ngọt.
Nhờ trồng bưởi da xanh, trồng ổi kết hợp nuôi gà mà lão nông U70 mỗi năm có doanh thu trên 500 triệu đồng, trong đó chủ yếu hiện nay là nguồn thu từ bán gà nòi thịt. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 250 triệu đồng/năm. Cùng với đó là nguồn phân gà tơi xốp ông dùng để bón vườn cây ăn quả tăng thu nhập cho gia đình.