VEC bị cưỡng chế thuế cả ngàn tỷ
Theo đó, Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, trong thời gian từ ngày 1/7/2016 đến năm 2017, Cục Thuế TP Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng cho VEC 9 đợt, tổng số tiền hoàn thuế VAT hơn 949,7 tỷ đồng theo hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế VAT đối với VEC, Cục Thuế Hà Nội phát hiện VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư.
Video: Chuẩn bị hoàn thành hàn và đặt ray dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Nguồn: HNTV.
|
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô |
Do đó, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành 2 quyết định thu hồi số tiền thuế VAT đã hoàn, với số tiền hơn 949,7 tỷ đồng đã hoàn cho VEC trước đó, và tiền chậm nộp hơn 83,46 tỷ đồng. Tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp là hơn 1.033 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2018, VEC ghi nhận doanh thu thuần 3.225 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 460 tỷ đồng so với năm 2017. Năm 2018 do giá vốn bán hàng chỉ 635 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng mạnh, đạt 2.589 tỷ đồng.
Dù vậy, trong năm qua, các khoản chi phí của VEC đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí tài chính lên tới 2.888 tỷ đồng (trong đó chi phí lãi vay là 735 tỷ đồng), cao gấp 3,5 lần so với năm 2017; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 61 tỷ đồng lên 84 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm sút trầm trọng từ 938 tỷ đồng xuống còn 3,8 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến hết năm 2018, nợ phải trả của VEC là 87.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 19.672 tỷ đồng và nợ dài hạn 67.327 tỷ đồng (chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của VEC chỉ 9.556 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 9 lần, tương đương chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn.
Hơn nữa, do lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng Yên Nhật và USD để đầu tư các dự án nên biến động tỷ giá tác động rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC. Năm 2018, lỗ chênh lệch tỷ giá của VEC tăng vọt lên gần 2.200 tỷ đồng so với mức 368 tỷ đồng của năm trước. Đây là một trong những nguyên nhấn khiến lợi nhuận của ông trùm đường cao tốc tụt dốc không phanh.
Có thể nói, việc nợ vay cao hơn rất nhiều lần so với vốn chủ sở hữu của công ty đã đặt ra dấu hỏi về nguy cơ an toàn tài chính của VEC!
Câu chuyện lùm xùm nội bộ ở VEC
Hiện VEC đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, khi các vấn đề về nội bộ "lục đục", các lãnh đạo công ty bất đồng, thiếu hợp tác với nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
Mới đây, ông Trần Văn Tám - Tổng Giám đốc VEC đề nghị Hội đồng thành viên (HĐTV) chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan đến những sai phạm của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Nhi đến Cục Cảnh sát điều tra, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để đề nghị giúp đỡ điều tra làm rõ.
Ông Tám cũng đề nghị HĐTV tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Nhi 15 ngày.
Trước thông tin trên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Nhi đã lập tức phản pháo khi có văn bản báo cáo gửi Chủ tịch HĐTV VEC, cho rằng những nhận định của Tổng Giám đốc hoàn toàn sai trái, quy chụp, thiếu hiểu biết, không hiểu rõ các quy định pháp luật nhằm vu khống cá nhân ông.
Sau đó, Nghị quyết của HĐTV VEC được ban hành, yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với ông Trần Văn Tám vì hành vi lạm quyền, để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình điều hành.
Chia sẻ quan điểm về những ồn ào nội bộ của VEC trên báo Đất Việt hồi tháng 7/2019, bà Bùi Thị An - nguyên ĐBQH Khóa XIII nói thẳng, những lùm xùm bên trong Tổng Công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam là một hiện tượng bất thường: "Bất thường vì từ trước tới nay chưa từng xảy ra những thông tin đề nghị điều tra, xem xét kỷ luật nhưng bây giờ lại có những đề nghị xử lý chéo, Tổng đề nghị xem xét, xử lý Phó tổng, HĐTV lại đề nghị xử lý Tổng".