Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo tháng 3/2023 của nước ta thu về gần 509 triệu USD, tăng đột biến 93,5% so với cùng tháng 3/2022. Tính đến hết quý I/2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,85 triệu tấn gạo, đạt 981,4 triệu USD, tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022 - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.
Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong tháng 3, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 245,7 triệu USD, tăng đột biến 295% so với tháng 3/2022. Cộng dồn cả quý I/2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 450,4 triệu USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 45,8% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh. (Ảnh: Hoàng Hà)
Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua cũng đạt 109 triệu USD, tăng 118% so với tháng 3 năm ngoái. Trong quý I/2023, xuất khẩu gạo sang thị trường hơn 1,4 tỷ dân này giúp nước ta thu về 199 triệu USD, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn thứ hai trong quý I/2023.
Việc Trung Quốc và Philippines ồ ạt mua gạo của Việt Nam trong tháng 3 vừa qua đã giúp ngành gạo xoay chuyển từ mức tăng trưởng âm trong hai tháng đầu năm sang tăng trưởng dương trong quý I/2023.
Tại Việt Nam, thời điểm cuối tháng 3, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 450 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 440-445 USD/tấn hồi đầu tháng. Theo các thương nhân, giá gạo tăng do các chuyến hàng đến Trung Quốc phục hồi và Indonesia, Philippines cũng đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia.
Động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu gạo.
Chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.