Thương mại điện tử - Thực, hư khó lường!

Google News

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đến năm 2020 có thể đạt 13-15 tỉ USD. TMĐT đang trở thành xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại. Song, trong thực tế, hoạt động TMĐT dường như đang bị buông lỏng, không được kiểm soát chặt chẽ.

Thực - hư hàng bán online
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày nay, người tiêu dùng chỉ cần một cú click chuột và vài từ tìm kiếm trên Internet, ai cũng có thể chọn mua bất cứ loại hàng hóa có giá trị từ vài chục nghìn đồng đến hàng trăm triệu đồng. Khi có nhu cầu mua bất cứ món đồ nào, khách chỉ cần gõ tên của chúng là thấy hàng trăm cửa hàng cung cấp với giá cả khác nhau, nhiều khi chênh lệch khá lớn, nhỏ chỉ vài nghìn đồng, nhưng có món đồ chênh lệch tới tiền triệu. Khi khách hàng bày tỏ băn khoăn về giá cả thì gian hàng bán giá thấp thường trả lời “hàng đang được giảm giá”. Tuy vậy, chỉ đến khi nhận sản phẩm, khách hàng mới thấy không ít mặt hàng có chất lượng khác xa so với hình ảnh, lời lẽ quảng cáo.
Trang TMĐT LD bán vũ khí công khai. 
Chị Thu Hương (quận Đống Đa, Hà Nội) đã từng bức xúc tới mức “thề không bao giờ mua hàng online” nữa. Số là, chị Hương ham của rẻ nên hay tìm tòi đặt hàng qua mạng cho chồng con và cả bản thân mình. Là người yêu thích thời trang nên chị Hương thường hay mua quần áo. Bởi vậy, chị cũng là nạn nhân thường xuyên của thói tráo trở trong bán hàng online. Chị kể, có lần chị đặt mua một chiếc áo bông trần cho mẹ chồng mà chị phải đổi đi đổi lại đến 3 lần, tìm 3 trang web khác nhau, vẫn không chọn được chiếc áo giống trong “ảnh mẫu”. Cuối cùng chị cũng đành ngậm ngùi mất tiền ship 3 lượt giao hàng cho 3 sản phẩm không mong muốn.
Trường hợp anh Tùng (quận Tây Hồ, Hà Nội) còn tệ hơn. Vốn là người ưa thích hoạt động và đi du lịch nên anh Tùng đã đặt mua một loạt balô cho cả gia đình. Thấy trên sàn TMĐT có những sản phẩm balô rất bắt mắt, được quảng cáo nào là chống thấm nước, vải loại 4D nhập từ Nhật Bản..., anh Tùng đã hí hửng đặt mua để cả nhà có balô mới đi du lịch. Lúc nhận hàng, shipper nói chủ hàng yêu cầu trả tiền trước mới cho xem hàng. Một phần vì háo hức, một phần là đàn ông, nên anh Tùng vui vẻ trả tiền. Cầm chiếc túi vào nhà, thấy nghi nghi vì tại sao đặt 2 chiếc balô mà nhỏ và nhẹ thế. Anh Tùng mở ra xem thì hỡi ôi, trong gói hàng chỉ có một chiếc balô thuộc loại “con cóc” dài rộng chỉ hơn 20cm, khác xa với quảng cáo là cặp balô dài hơn 40cm, rộng hơn 30cm. Bực mình, anh Tùng đã điện thoại trực tiếp cho đường dây nóng của sàn TMĐT đó và gửi thư phản đối. Sau hơn 1 ngày, sàn TMĐT có phản hồi và điện thoại trả lời anh Tùng, kèm theo một chiếc balô mới. Đáng nói là chiếc balô này cũng chỉ lớn hơn chiếc balô anh Tùng nhận được một chút. Thế là tiền thì vẫn mất mà lại mua cái sự bực mình, từ đó, mỗi lần nghe thấy mua hàng online là anh Tùng lại “dị ứng”.
Một trang web bán súng công khai trên mạng. 
Liệu đã đủ chế tài xử lý?
Thời gian qua, các bộ, ngành đã ban hành nhiều thông tư, quy định nhằm giám sát và quản lý các giao dịch điện tử. Nhưng trong thực tế, nạn gian lận trên TMĐT vẫn hoành hành bất chấp các quy định của pháp luật.
Thông tư 47/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quản lý website TMĐT đã quy định: Các thương nhân, tổ chức, cá nhân không được sử dụng website TMĐT để kinh doanh các hàng hóa hạn chế kinh doanh như: Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ; thuốc lá điếu, cigar và các dạng thuốc lá thành phẩm khác; rượu các loại; thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến; các hàng hóa hạn chế kinh doanh khác theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, thương nhân lập website để bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải công bố trên website giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ đó.
Trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT là phải ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Bên cạnh đó, các trang TMĐT phải loại bỏ khỏi website những hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực.
Quy định là như vậy, nhưng trong thực tế, để thu hút đông đảo người mua sắm, tăng doanh thu, một số sàn TMĐT không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Gần đây, một trong những sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đã xuất hiện một loạt quảng cáo về súng bắn bi, súng hơi nén có sát thương cao. Giải thích vấn đề này, đại diện một sàn TMĐT cho rằng, có kẽ hở trong quy định về đăng tải thông tin và hàng hóa trên TMĐT, do đó cá nhân kinh doanh có thể thoải mái đăng tải trên website TMĐT các chủng loại mặt hàng mà không bị kiểm soát.
Theo Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội, các sản phẩm bị cấm vẫn xuất hiện trên các trang TMĐT. Khoản 3, Điều 83, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định: Sàn TMĐT cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nhưng để đối tác bán hàng vi phạm có thể bị xử phạt từ
30-40 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng. Quy định đã có, song tại sao hàng giả hàng nhái, hàng cấm vẫn nhan nhản trên mạng để hàng ngàn người vừa mất tiền vừa mua bực bội vào mình?
Qua tìm hiểu, được biết việc kiểm tra hoạt động TMĐT đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, người bán hàng trên website TMĐT tìm mọi cách “lách” qua bộ lọc của sàn. Chẳng hạn, khi họ bán hàng cấm đã cố tình không đưa rõ hình ảnh sản phẩm, đưa tên khác hoặc tạo nhiều tài khoản khác nhau để bán hàng... Hàng trăm trang TMĐT tự phát mỗi ngày mọc lên nhan nhản trên Internet một cách mất kiểm soát. Chỉ cần search theo một từ khóa nào đó là ra hàng nghìn kết quả, địa chỉ, hướng dẫn cách đặt mua hàng, kể cả các mặt hàng cấm như vũ khí, thuốc kích thích... Mặt khác, do mức phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được nên không đủ sức răn đe với đối tượng vi phạm.
Có thể thấy rằng, để TMĐT Việt Nam không trở thành “thiên đường” cho hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, tăng mức xử phạt, kể cả xem xét xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Mặt khác, phải quy trách nhiệm đối với các chủ sàn TMĐT với từng sản phẩm được giao dịch thành công. Bất cứ khiếu nại nào của người tiêu dùng cũng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, xử lý đến tận nơi sản xuất.
Khoản 3, Điều 83, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định: Sàn TMĐT cung cấp dịch vụ TMĐT nhưng để đối tác bán hàng vi phạm có thể bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh tương ứng.
Theo Tùng Phong/PetroTimes

>> xem thêm

Bình luận(0)