Chủ trì cuộc họp với một số bộ ngành về việc quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi, ngày 8-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của ODA đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tuy nhiên thừa nhận trong thời gian qua công tác quản lý ODA còn tồn tại bất cập.
Tại cuộc làm việc, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cho rằng những chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải bảo đảm nguyên tắc chỉ vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.
|
Thủ tướng chỉ đạo phải rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA như mua ô tô - Ảnh: Q.HIẾU
|
Tuy nhiên, việc phân định giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển trong các dự án ODA còn chưa rõ ràng.
Chi cho đầu tư phát triển thường được nói tới là chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hay còn gọi là "phần cứng".
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng trên thực tế, chi cho "phần mềm" như các dự án tăng cường năng lực, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, rất cần thiết, chi cho con người, cũng cần được xem là chi đầu tư phát triển.
Để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Người đứng đầu Chính phủ đồng thời yêu cầu phải rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA như mua sắm xe hơi.
Đối với các chương trình, dự án ODA và các hiệp định đã ký từ năm 2017 về trước, Thủ tướng chỉ đạo cần thực hiện theo Nghị quyết 49 của Quốc hội.
Các cơ quan chủ quản chủ động rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi không hiệu quả, không phù hợp, chưa cần thiết để làm sao bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và trên cơ sở thống nhất với các nhà tài trợ; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Còn với các khoản vay ODA mới thì chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu phải có tiêu chí rõ ràng hơn "đâu là chi đầu tư phát triển, đâu là chi thường xuyên trong các dự án ODA" để không nhầm lẫn, dẫn đến khó khăn trong quản lý.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vốn ODA trong giai đoạn tới, lấy ý kiến của các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ.