Theo Sở này, ngày 13/6, Công ty cổ phần Hàng không Thiên Minh được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có trụ sở chính tại số 187 đường Lý Thường Kiệt, phường Cẩm Phô, TP Hội An do ông Trần Trọng Kiên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Sau đó, doanh nghiệp này có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Kế hoạch-Đầu tư và Sở Giao thông vận tải đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều.
Theo đó, dự kiến hãng hàng không này sẽ khai thác 30 máy bay tới năm 2024 gồm 15 máy bay ATR 72 và 15 máy bay Airbus A320, A321 hoặc loại tương đương. Năm đầu tiên hoạt động, hãng này sẽ khai thác 6 máy bay ATR 72, năm tiếp theo tăng lên 12 chiếc và năm thứ 3 lên 15 chiếc. Những năm sau sẽ tăng thêm 5 máy bay/năm.
Tổng mức đầu tư dự án này 1.000 tỷ đồng. Dự kiến hãng sẽ khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên trong quý 1/2020.
|
Sân bay Chu Lai. |
Ngày 15/7, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản số 4130/UBND-KTN giao cho Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT hướng dẫn chủ đầu tư thực hiên các hồ sơ, thủ tục thành lập Hãng hàng không theo đúng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đầu tư và Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và các văn bản của pháp luật có liên quan.
Ông Trần Văn Ẩn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam vừa ký văn bản gửi các cơ quan của tỉnh như TN-MT, XD, GT-VT, Tài chính, Công an, Cục Thuế, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy quân sự và UBND huyện Núi Thành đề nghị thẩm định dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều của Cty cổ phần Hãng hàng không Thiên Minh.
Theo ông Trần Văn Ẩn dự án đầu tư thành lập hãng hàng không Cánh Diều thuộc lĩnh vực đầu tư kinh doanh vận tải hàng không, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư.
Do đó, Sở KH-ĐT đề nghị các cơ quan trên nghiên cứu hồ sơ và cho ý kiến thẩm định dự án thuộc phạm vi, chức năng quản lý của ngành, địa phương theo Luật Đầu tư, trong đó cần làm rõ các nội dung.
Đó là thẩm định về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu sử dụng đất, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường; thẩm định về quy hoạch xây dựng và lĩnh vực quản lý của ngành.
Thẩm định về lĩnh vực quản lý ngành, năng lực tài chính của nhà đầu tư, khả năng sử dụng vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; thẩm định về sự phù hợp với quy hoạch ngành, chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển lĩnh vực hàng không.
Thẩm định liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp; thẩm định liên quan đến chính sách về thuế suất, nhập khẩu; thẩm định các vấn đề liên quan đến quy hoạch kinh tế xã hội, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương và hiệu quả KT-XH của dự án; thẩm định về lĩnh vực ngành quản lý và các vấn đề có liên quan.
Năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Bộ GT-VT nâng cấp sân bay Chu Lai, theo đó đến năm 2025 trở thành Cảng hàng không quốc tế và trở thành trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước với công suất dự kiến 1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020 và 5 triệu tấn/năm và 4,1 triệu lượt hành khách/năm.
Sân bay Chu Lai được khởi công xây dựng năm 2004, đây là sân bay có diện tích lớn nhất Việt Nam với 3.000 ha, đường băng dài hơn 3km.