Giữ thẻ ATM ở nhà vẫn bị rút tiền lúc nửa đêm
Nạn nhân của sự việc chủ thẻ ATM Vietcombank bị rút trộm tiền trên là chị P.T.P.U (31 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM). Phản ánh tới Infonet, chị U. cho biết mình là chủ tài khoản 0251002675XXX mở tại Vietcombank chi nhánh Bình Tây, quận 6.
Vào khoảng 22h đêm 12/11, chị U. đang ở nhà thì bất ngờ nhận liên tiếp 4 tin nhắn thông báo giao dịch rút tiền bằng thẻ ATM. Tổng số tiền bị rút là 7 triệu đồng (3 lần rút 2 triệu đồng và 1 lần rút 1 triệu đồng).
Trong khi chị U. khẳng định thẻ ATM Vietcombank của chị vẫn cất trong túi xách và để ở nhà. Ngay sau đó, chị U. gọi điện thoại đến số đường dây nóng của Vietcombank trình báo vụ việc, yêu cầu khoá thẻ và dịch vụ IBanking.
|
1 trong 4 tin nhắn thông báo giao dịch rút tiền bằng thẻ ATM của chị U. đêm 12/11. |
Sáng 13/11, chị U. đến nơi mở thẻ là Vietcombank chi nhánh Bình Tây tường trình lại sự việc. Tại đây, nhân viên ngân hàng cho chị U. biết đã có 4 giao dịch rút tiền với thông tin thẻ ATM Vietcombank của chị được thực hiện từ trụ ATM của một ngân hàng khác ở TP.HCM vào đêm qua.
Theo chị U, nhân viên Vietcombank cho hay sẽ làm công văn gửi đến bộ phận thẻ của ngân hàng sở hữu cây ATM để truy xuất hình ảnh từ camera đặt tại trụ ATM nhằm xác định người thực hiện giao dịch. Thời gian giải quyết vụ việc theo nhân viên này là trong vòng 1 tháng.
“Số tiền bị mất không nhiều nhưng cách trả lời của nhân viên VCB khiến tôi không yên tâm. Tôi thắc mắc nếu người rút trộm tiền của tôi bịt mặt hay camera không xác định được là ai thì nhân viên trả lời ngân hàng không thể chứng minh được”, chị U. nói.
Chị U. còn cho biết, thẻ ATM Vietcombank bị rút trộm tiền thường được chị sử dụng rút tiền từ trụ ATM, thanh toán online qua IBanking và thỉnh thoảng còn thanh toán ở các cửa hàng qua máy POS.
Trao đổi với PV Infonet chiều 14/11, ông Lê Tiến Hưng, Phó trưởng Phòng Quan hệ Công chúng Vietcombank cho biết, ông chưa nắm được sự việc, ngân hàng sẽ chờ báo cáo chi tiết từ bộ phận tiếp nhận phản ánh của khách hàng và từ đó sẽ có hướng giải quyết thoả đáng.
Đề phòng đánh cắp thông tin như thế nào?
Thời gian gần đây, khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng báo bị mất tiền dù vẫn giữ thẻ bên mình và không thực hiện giao dịch không còn là chuyện hiếm.
Một chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin cho biết, thói quen sử dụng thẻ ngân hàng, cả thẻ ATM lẫn thẻ tín dụng, của người dân hiện nay rất dễ tạo điều kiện cho kẻ xấu đánh cắp thông tin. Qua những vụ bị rút trộm tiền như nói trên, người dùng thẻ cần trang bị một số kiến thức cơ bản khi giao dịch.
Theo vị này, đối với thẻ tín dụng thì sau khi nhận thẻ từ ngân hàng, chủ thẻ nên ghi nhớ số CVV (3 số ở mặt sau của thẻ) rồi dùng băng dán che lại hoặc có thể cạo mờ đi. Cách này tránh trường hợp bị kẻ xấu sao chép số thẻ.
Còn với thẻ ATM, chuyên gia này cho rằng sự mất cảnh giác khi thao tác rút tiền ở các trụ ATM hay thanh toán bằng máy POS chính là nguyên nhân chính khiến cho thông tin thẻ bị kẻ gian đánh cắp.
Theo đó, khi rút tiền ở trụ ATM người dùng thẻ cần quan sát khe đọc thẻ trên máy có gắn thêm thiết bị đọc trộm nào khác lạ hoặc bàn phím nơi nhập mã PIN có gắn camera quay lén hay không? Nếu cẩn thận hơn, khi nhập mã PIN người dùng cần dùng tay che lại hay làm động tác giả khi nhập mã.
Trường hợp thanh toán qua máy POS ở các cửa hàng, người dùng nên chú ý xem thẻ của mình có bị quẹt qua thiết bị đọc trộm nào khác trước khi qua máy POS. Thậm chí để ý máy POS có gắn thiết bị đi kèm gì không. Khi nhập mã PIN thì người dùng cũng nên che tay để tránh bị quay lén.