Bóc lãi khủng nhưng chi chỉ 1 phần nhỏ cho thuê mặt bằng của MWG
Báo cáo tài chính quý 2/2021 của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), cho thấy doanh thu thuần đạt 31.658 tỷ đồng, tăng 20%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lãi gộp tăng 24% đạt 7.143 tỷ đồng. Biên lãi gộp tăng nhẹ từ 21,9% lên 22,6%.
Quý 2, doanh thu tài chính của MWG tăng 80% lên 305 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 25% lên 171 tỷ đồng. Chi phí bán hàng lớn nhất trong các chi phí và tăng 26% lên 4.444 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng tăng 20% lên 1.201 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ MWG đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 36%.
|
Điện máy Xanh lãi "khủng" mùa dịch. (Ảnh minh họa). |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần MWG đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12,3%. Lãi sau thuế 2.551 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, nhà bán lẻ thực hiện 50,4% chỉ tiêu doanh thu và 53,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Trong cơ cấu doanh thu của MWG nửa đầu năm, chuỗi Điện máy Xanh đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 53,3%, tăng 5%; chuỗi Thế Giới Di Động đóng góp 25% và tăng 7%; chuỗi Bách Hóa Xanh đóng góp 21,4% và tăng 42%. Chuỗi Bluetronics ghi nhận tăng mạnh nhất 281% nhưng chỉ chiếm tỷ trọng 0,3% trên doanh thu. Ngoài ra, doanh thu online đóng góp gần 5.300 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 6% so với cùng kỳ 2020.
Riêng tháng 6, MWG ghi nhận doanh thu 10.650 tỷ đồng, tăng 31%; lãi sau thuế 380 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chuỗi thế Giới Di Đông/Điện máy Xanh đạt 7.880 tỷ đồng, tăng 21%. Doanh thu online tăng 30% so với tháng trước và chiếm 15% tổng doanh thu chuỗi.
Riêng tháng 8/2021, MWG ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng doanh thu và 222 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm gần 32% và 4% so với tháng trước.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78,495 tỷ đồng và lãi sau thuế 3,006 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 12% so với cùng kỳ. Doanh thu online đóng góp hơn 7,540 tỷ đồng cho MWG, tăng 17%. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.
|
Công văn của MWG, gửi các đối tác mặt bằng sẽ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê trong thời gian các cửa hàng phải đóng cửa lan truyền trên mạng, gây xôn xao dư luận. |
Đáng chú ý, dù Điện máy Xanh lãi "khủng" mùa dịch, nhưng mới đây, dư luận không khỏi xôn xao và đưa ra nhiều ý kiến tranh cãi nảy lửa trước thông tin MWG gửi công văn đến các đối tác mặt bằng của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng, trong giai đoạn cửa hàng đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Cụ thể, trong công văn, ông Quách Vĩnh Nam - Giám đốc bán hàng toàn quốc, đại diện của MWG nêu, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Công ty đã tích cực cắt giảm nhiều chi phí, nhưng việc phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng đã làm Công ty không phát sinh doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm nhiều, điều này ảnh hưởng tới tình hình hoạt động của Công ty.
Trên cơ sở đó, MWG đã có thông báo về một số giải pháp sẽ triển khai trong giai đoạn này.
Cụ thể, MWG sẽ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước; Không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 1/1/2021 đến 1/8/2021 đối với trường hợp nêu tại Mục 1 và Mục 2, tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ tiếp tục áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu như xảy ra các trường hợp bất khảng kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng.
Những tai tiếng khiến khách bất bình của Bách Hóa Xanh mùa dịch
Sự việc nêu trên, không phải lần đầu tiên nhà bán lẻ MWG gây xôn xao dư luận. Trước đó, chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh của CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh, thuộc MWG cũng từng khiến khách hàng bất bình khi bị "tố" tăng giá sản phẩm, có giá một đằng, tính tiền một nẻo, cân sai… giữa mùa dịch.
Lực lượng chức năng chuyên ngành sau đó đã vào cuộc kiểm tra, theo dõi chặt chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm trên nhiều địa phương và phát hiện có hành vi vi phạm.
|
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.HCM. (Ảnh: DMS). |
Cụ thể, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh ở địa chỉ 481 Trần Hưng Đạo (khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã bày bán các sản phẩm cao hơn so với giá niêm yết như: Cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng/gói, bán ra 14.600 đồng/gói; cháo yến vị thịt bằm, niêm yết 9.800 đồng/gói, bán ra 10.300 đồng/gói; cháo tươi gà cà rốt, niêm yết 19.000 đồng/gói, bán ra 19.600 đồng/gói; cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng/gói, bán ra 24.000 đồng/gói; cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng/gói, bán ra 20.000 đồng/gói.
Một ngày sau, thêm cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 259 - 261 Ngô Quyền (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) cũng bị lực lượng quản lý thị trường Đắk Lắk phát hiện bày bán nhiều mặt hàng thực phẩm không thực hiện niêm yết giá và bán cao hơn giá niêm yết.
Tại buổi làm việc với tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về vấn đề cung ứng hàng hóa và việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh vào sáng ngày 22/7, ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh cho rằng trong lúc áp lực cầu thị trường tăng cao, khối lượng công việc lớn thì sai sót khó tránh khỏi và Công ty đã khắc phục ngay, đồng thời đưa ra thông báo trong ngày 21/7 hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền khách hàng thêm 100.000 đồng/lần mua hàng.
"Chúng tôi cam kết trong thời gian tới hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ tuân thủ nghiêm các quy định và cố gắng ở mức cao nhất để cung ứng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân”, báo giới dẫn lời ông Trần Kinh Doanh.
CEO Bách Hóa Xanh hứa đền tiền là vậy, nhưng chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 21-24/7, lực lượng chức năng tại các tỉnh Long An, An Giang, Bình Phước tiếp tục phát hiện và lập biên bản một số cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn với các lỗi vi phạm như: Nâng khống khối lượng chênh lệch cao hơn khối lượng thực tế khi người dân mua hàng (Bách Hóa Xanh số 19, phường 3, TP Tân An, Long An); không niêm yết giá một số mặt hàng theo quy định (Bách Hóa Xanh số 37, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang); kinh doanh một số sản phẩm đã quá hạn sử dụng (Bách Hóa Xanh có địa chỉ tại ấp Cầu 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).