Nếu nhìn qua, có thể thấy chạy GrabBike là một công việc làm thêm "dễ" kiếm tiền, lại có thể làm partime nên phù hợp với sinh viên. Chạy GrabBike có mức thu nhập cao hơn hẳn các công việc partime thông thường, lại không phải chịu áp lực từ sếp. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều sinh viên đầu quân cho Công ty Grab.
Với sinh viên các trường đại học, cao đẳng... Để đăng ký tham gia chạy GrabBike, ngoài một chiếc xe máy thì cần phải có thẻ sinh viên, giấy CMND, bằng lái, đăng ký và bảo hiểm xe máy để nộp cho công ty. Sau đó là kiểm tra trắc nghiệm và trải qua một buổi hướng dẫn về nội quy công ty, quy tắc ứng xử với khách hàng, khi tham gia giao thông... thì các em sinh viên sẽ được cấp mã số đối tác và cài phần mềm GrabBike lên điện thoại để bắt đầu hành nghề.
|
Ảnh minh họa. |
Tuấn - sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học tại Hà Nội chia sẻ, em bắt đầu chạy xem grab được 4 tháng, ban đầu còn bỡ ngỡ nhưng đến nay đã quen với nghề và quen đường xá Hà Nội. Nghề này tuy phải đi lại ngoài đường nhiều, phải tiếp xúc với bụi bặm, ô nhiễm, kẹt xe... nhưng thu nhập cũng khá ổn đối với những thanh niên chưa có bằng cấp như Tuấn.
"Ban ngày em đi học nên em chỉ có thể chạy xe từ 4h30 chiều đến khuya. Mỗi tháng em cũng kiếm được khoảng 3-4 triệu đồng để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, đi học cả ngày rồi, chạy grab buổi tối cũng mệt mỏi và nguy hiểm lắm!", Tuấn chia sẻ.
Theo Tuấn, vì thấy dễ kiếm tiền nên một số người bạn học cùng lớp của em cũng tham gia đăng ký chạy GrabBike.
"Em làm nghề này vì biết qua một số bạn bè cùng lớp. Các bạn thậm chí đã chạy GrabBike từ năm thứ 2. Nhiều bạn gia đình quá nghèo nên xác định làm nghề này để trang trải cho cuộc sống và đóng học phí. Như em đây, thu nhập từ chạy xe cũng là để trang trải cho cuộc sống vì gia đình em không có điều kiện để chu cấp cho em hàng tháng", Tuấn chia sẻ thêm.
Dù gia cảnh không quá khó khăn, song Nam (sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Giao thông Vận tải) vẫn đăng ký tham gia chạy GrabBike. Em cho biết: "em chạy xe vì muốn kiếm tiền chi phí thêm cho cuộc sống sinh viên và quan trọng hơn là để rèn luyện kỹ năng sống, khẳng định bản thân".
Nam tâm sự, ban đầu em nghĩ đơn giản là mỗi ngày chỉ cần bỏ ra vài tiếng là có thể mang tiền về. Làm đến đâu có tiền đến đó, song thực tế khó khăn và mệt mỏi hơn rất nhiều. Một trong những cái khó đối với sinh viên tỉnh lẻ như Nam là chưa quen đường. Dù có bản đồ trên điện thoại song nhiều khi Nam vẫn bị chạy sai đường, chạy đường lòng vòng và thậm chí có lần còn bị khách cáu. Chạy xe được khoảng 3 tháng thì Nam quen dần các ngõ ngách của đường phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, muốn có thu nhập tạm ổn thì mỗi tà xế GrabBike đều phải chạy trên chục chuyến trong ngày và không huỷ chuyến. Vì thế nên nhiều khi vẫn phải cố. Ăn uống thì thất thường, tiện gì ăn nấy và không giờ giấc cụ thể nên rất dễ bị đau dạ dày. Chưa kể vào những hôm trời nắng to hoặc mưa ngập lụt thì vô cùng khốn khổ. Nhưng nếu không thường xuyên thì sẽ ít "nổ" khách hơn, thu nhập lại không được là bao.
"Mỗi chuyến xe nếu thu về 30.000 đồng thì bị trừ khoảng 20%, trừ tiền xăng xe nữa thì cũng chỉ còn một nửa. Mà xe máy chạy suốt ngày ngoài đường thì cũng nhanh hỏng, phải bảo dưỡng liên tục. Đường Hà Nội thì đông đúc, nhất là giờ cao điểm. Nhiều khi đưa khách đi khoảng 2 cây số, mà mất đến 45 phút đồng hồ. Mệt mỏi lắm", Nam cho hay.
Hoàng Huỳnh (sinh viên một trường Cao Đẳng tại Hà Nội) chạy GrabBike đã được 6 tháng. Hoàng Huỳnh cho biết, nếu sáng học thì chiều em chạy xe cho đến tốt mịt, vắt kiệt sức thì kiếm được khoảng hơn 200.000 đồng. Số tiền này tạm đủ chi phí cho việc thuê nhà, sinh hoạt tại Hà Nội. Nhiều sinh viên không chịu nổi sự khắc nghiệt nên đã phải bán tài khoản, bán áo mũ và bỏ nghề.
|
Ảnh minh họa. |
"Ở nhà sống với cha mẹ, anh chị quen rồi. Ra Hà Nội học đi làm mới thấy cuộc sống vô cùng khắc nghiệt. Ban đầu em cũng lo sợ lắm vì đọc nhiều trên mạng thấy nghề vô cùng nguy hiểm. Chẳng may gặp phải người xấu thì không biết số phận mình thế nào. Tuy nhiên, thấy các bạn kiếm tiền thì em cũng ham nên em cũng thử xem sao. Để hạn chế rủi ro em hạn chế chạy buổi tối, muộn nhất là 8h tối thì dừng, về nhà trọ còn ăn cơm và học bài để sáng hôm sau đi học không bị ngủ gật vì quá mệt", Hoàng Huỳnh chia sẻ.
Em cũng cho biết thêm về những khó khăn của nghề GrabBike khi gặp phải khách khó tính, đòi hỏi nhiều yêu cầu: "Tắc đường, đến chậm một vài phút có khi cũng bị khách mắng tơi tả. Có những khách trời nắng yêu cầu lái xe phải đi vào chỗ bóng râm cho mát. Có người sợ muộn giờ thì giục mình phóng nhanh, đi đường tắt nguy hiểm. Đôi khi còn gặp phải khách "quên" không mang tiền. Nhiều người còn chở phải con nghiện, bọn đạo chích...".
Chỉ vì mưu sinh, vì muốn kiếm tiền trang trải và gửi về cho gia đình mà nhiều sinh viên, ngoài giờ lên giảng đường đã phải lao ra đường đối mặt với áp lực và hiểm nguy.
Không thể phủ nhận Grab đã giúp cho nhiều người nghèo kiếm đủ tiền để trang trải, giúp nhiều sinh viên kiếm được lương tháng hàng chục triệu đồng..., nhiều hơn cả lương công chức. Tuy nhiên, mỗi sinh viên cần phải cân nhắc, cần dành thời gian cho học tập nhiều hơn. Mưu sinh nhưng cũng phải nhận thức đâu là con đường, đâu là điểm dừng cho mình... trong cuộc sống đầy những hiểm nguy này.