Thanh tra việc Bitexco mua Du lịch Hương Giang

Google News

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 3/2016 bán chỉ định 62,86% vốn của CTCP Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco, không qua đấu giá theo quy định.

 Khách sạn 5 sao La Residence ở số 5 đường Lê Lợi, hướng ra bờ sông Hương với trên khu đất “vàng” diện hơn 1,7ha. Ảnh: Tiến Long/TTO.
Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế từ ngày 20-6 để bắt đầu thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch từ năm 2007 đến 2017 tại tỉnh này.
Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Minh Mẫn, quyền vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ, làm trưởng đoàn, sẽ làm việc trong thời hạn 70 ngày.
Đoàn sẽ thanh tra các nội dung về xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch, chấp hành chính sách pháp luật về kinh doanh du lịch, đầu tư du lịch, cổ phần hóa doanh nghiệp du lịch.
Trong đó, có thanh tra việc bán vốn nhà nước trong CTCP du lịch Hương Giang, được các cơ quan thông tấn, trong đó có Nhadautu.vn phản ánh thời gian qua.
CTCP Du lịch Hương Giang có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, tiền thân là doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sở hữu nhiều khách sạn lớn và sang trọng tại TP. Huế như Hương Giang Resort & Spa, Sài Gòn Morin, Laresidence, Citadel.
Năm 2007, Du lịch Hương Giang được cổ phần hoá, vốn nhà nước giảm về 62,86%, Tập đoàn Bitexco mua 7,62% và trở thành cổ đông chiến lược.
Giai đoạn 2008-2013, Du lịch Hương Giang kinh doanh ổn định, có lãi qua các năm. Tuy nhiên từ năm 2014 đến năm 2016, doanh nghiệp này báo lỗ, với lỗ luỹ kế đến cuối năm 2016 là 25,4 tỷ đồng, trước khi lãi nhẹ 1,4 tỷ đồng năm 2017.
Trong giai đoạn công ty thua lỗ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 3/2016 đã bán chỉ định toàn bộ 12,572 triệu cổ phần, tương đương 62,86% vốn của Du lịch Hương Giang cho Bitexco với giá 12.600 cổ phần, tổng số tiền thu về là 158 tỷ đồng.
Bitexco qua đó nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 70,4%, đồng nghĩa với việc nắm giữ loạt khách sạn có vị trí đắc địa bậc nhất TP. Huế.
Thương vụ của Bitexco và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gây chú ý của dư luận khi không tổ chức đấu giá theo quy định của Nghị định 91/2015.
Để mua cổ phần Du lịch Hương Giang, Bitexco đã cam kết sẽ đầu tư mạnh vào doanh nghiệp này, như triển khai Khu nghỉ dưỡng cao cấp nước khoáng nóng Mỹ An, nâng cấp Khách sạn Sài Gòn Morin đạt tiêu chuẩn 5 sao, nâng cấp Khách sạn Hương Giang trở thành khách sạn tiêu chuẩn quốc tế mang thương hiệu của các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu...
Tuy nhiên số dư tài sản cố định của Du lịch Hương Giang lại giảm từ 88,5 tỷ đồng năm 2013 về còn 30,6 tỷ đồng cuồi năm vừa qua.
Đáng chú ý, chỉ ít tháng sau khi mua chỉ định, Bitexco tháng 10/2016 đã bán 5,758 triệu cổ phần Du lịch Hương Giang cho một doanh nghiệp Hồng Kông là Công ty TNHH Kei Sei (nay là Công ty TNHH Crystal Treasure), qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,74%.
Về phần mình, Kei Sei còn mua gom thêm từ một số cổ đông khác và nâng tỷ lệ nắm giữ từ 12,95% lên 45,24%, vượt qua Bitexco để trở thành cổ đông lớn nhất của Du lịch Hương Giang. Ngoài ra, Hương Giang còn một cổ đông lớn là bà Lê Thị Ngọc Thuý, nắm 7% cổ phần. Tổng cộng, 3 nhà đầu tư này sở hữu 93,98% vốn Du lịch Hương Giang.
Cuối năm ngoái, vị trí Tổng giám đốc Du lịch Hương Giang đã được chuyển giao cho ông Johnny Cheung Ching Fu, người Hồng Kông. Hai đại diện của cổ đông ngoại trong Hội đồng quản trị là ông Yukio Takahashi và ông Go Fujiyama, hai vị trí còn lại trong HĐQT thuộc về Bitexco.
Theo Xuân Tiên/Nhà Đầu Tư

>> xem thêm

Bình luận(0)