Bài 2: Bức tranh tài chính khác xa của Honda Việt Nam và SYM Việt Nam
Công ty Hữu hạn Chế tạo Công nghiệp và Gia công Chế biến Hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) được thành lập năm 1992. Ban đầu, VMEP do 100% vốn đầu tư của tập đoàn Chinfon, là công ty kinh doanh chế tạo xe máy đầu tiên ở Việt Nam, và do Công nghiệp Sanyang cung cấp kỹ thuật và thiết kế.
Để hợp nhất việc kinh doanh và kỹ thuật sản xuất và nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tháng 5/2000, VMEP được chuyển giao sở hữu từ tập đoàn Chinfon qua Công nghiệp Sanyang.
Nhằm phối hợp lại tổ chức kết cấu nội bộ trong cách quản lý quốc tế hóa Tập đoàn, bắt đầu từ tháng 12/2005, quyền kinh doanh của VMEP chuyển từ công nghiệp Sanyang qua Gold Way Holdings Corporation (GWH).
Theo VMEP, SYM Việt Nam đã và đang trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển xe máy lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại… Công ty không chỉ sản xuất xe máy để tiêu thụ ở thị trường Việt Nam, mà còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Cambodia…
|
Các dòng xe của SYM Việt Nam |
Tuy nhiên thực tế, sau hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, VMEP vẫn đang gánh lỗ lũy kế lên tới 1.177 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Điều này đồng nghĩa với kết quả kinh doanh của thương hiệu xe SYM này tại Việt Nam đang có vấn đề!?
Đơn cử như trong năm 2022, VMEP đạt con số doanh thu thuần khá khả quan với gần 2.855 tỷ đồng. Giá vốn chiếm mức cao 2.600 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp lùi về 254 tỷ đồng. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên ở mức 8,89%, một con số không phải là tệ đối với ngành công nghiệp xe máy.
Tuy nhiên, sau khi trừ các loại chi phí như tài chính (116 tỷ), bán hàng (143 tỷ) và quản lý doanh nghiệp (160 tỷ), VMEP đành chịu lỗ thuần 55 tỷ đồng.
Nhờ ghi nhận gần 24 tỷ đồng lợi nhuận khác và được hoàn nhập 328 triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại nên mức lỗ của VMEP trong năm 2022 giảm xuống còn 31 tỷ đồng.
Bước sang năm 2023, doanh thu thuần của VMEP lại giảm 24% so năm trước, về gần 2.169 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ này VMEP kiểm soát được giá vốn nên lợi nhuận gộp đạt mức khả quan gần 290 tỷ đồng, tăng gần 18%, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện lên 13,3%.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính tăng 11% lên 122 tỷ đồng trong khi các loại chi phí vẫn tương đương cùng kỳ. Do đó, VMEP đã bắt đầu có lãi thuần trở lại với hơn 7,6 tỷ đồng.
Cộng thêm lợi nhuận từ hoạt động khác 16,7 tỷ giúp lãi sau thuế năm 2023 của VMEP đạt mức khả quan 21,4 tỷ đồng so thua lỗ năm trước.
Điều đáng nói, mặt dù năm 2023 VMEP kinh doanh có lãi song lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại tiếp tục âm nặng gần 108 tỷ đồng.
Đồng thời, VMEP vẫn còn gánh nặng lỗ lũy kế lên tới 1.177 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.
VMEP hiện có vốn điều lệ 2.836 tỷ đồng, nhưng do lỗ lũy kế nặng nên vốn chủ sở hữu đã bị "ăn mòn" xuống còn 1.588 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của VMEP giảm 12,7% so đầu kỳ, xuống còn 2.869 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giảm thuế GTGT được khấu trừ và giảm thuế và các khoản khác phải thu Nhà nước; Giảm lượng tiền gửi ngân hàng, giảm khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng...
Trong cơ cấu nợ phải trả 1.281 tỷ, VMEP tăng vay nợ tài chính ngắn hạn lên 1.054 tỷ đồng và không phát sinh vay nợ tài chính dài hạn.
(Còn tiếp)
Bài 3: Những khu đất bỏ hoang của VMEP