Đồng đen là gì? Lời đồn đại về siêu kim loại
"Đồng đen" ở Việt Nam là một thứ kim loại xuất hiện trong lời truyền miệng được dân gian truyền miệng. Từ trước tới nay, chưa có 1 công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể về đồng đen là gì cũng như phương pháp chế tạo ra chúng.
Một tài liệu cho rằng đồng đen chính là đồng đỏ nguyên chất pha với thiếc, lân tinh, măng gan, nhôm, silicon. Do loại hợp chất này dễ đúc hơn, cứng cáp hơn, bớt nặng nề, bớt han gỉ, rẻ hơn so với các loại đồng khác nên chúng được sử dụng nhiều trong lịch sử nhân loại. Ở Trung Đông còn có "Kỷ nguyên đồng đen" bắt đầu khoảng 4.000 năm trước Công nguyên. "Kỷ nguyên đồng đen" kết thúc khi người ta tìm ra sắt, bởi sắt có nhiều ưu điểm hơn đồng đen.
Tuy nhiên, loại đồng đen từng được đồn thổi ở Việt Nam lại có những tính chất khác hẳn. Theo đó, đồng đen là 1 kim loại cực kỳ quý hiếm chế tạo từ hợp kim của đồng và những kim loại có giá trị khác như vàng, bạc, thiếc hoặc kẽm… Còn có người khác đồn rằng, đồng đen là mảnh thiên thạch rơi xuống từ vũ trụ xuống Trái Đất nên được gọi là thiên thạch đồng đen. Đáng lưu ý, chúng chỉ rơi quanh vùng Việt Nam, Myanmar, Lào, Thái Lan...
Theo Công an Nhân dân, cách đây nhiều năm, khi trả lời bạn xem truyền hình về đồng đen trong chuyên mục KCT, GS Nguyễn Lân Dũng nói: "Cho đến giờ, các nhà khoa học vẫn thực sự chưa biết đồng đen là gì, chỉ biết rằng trong đó có đồng, vàng và rất nhiều thành phần khác chưa được biết tới". Câu trả lời của GS Nguyễn Lân Dũng khiến chúng ta nghĩ rằng đồng đen là cái gì đó có vẻ như có thật, nhưng chưa thấy và chưa được nghiên cứu.
"Sức mạnh" của đồng đen
Đặc tính của đồng đen đều chỉ được nghe qua... lời truyền miệng. Cụ thể, người ta đồn đại rằng đồng đen có tính phóng xạ, đưa lửa đến gần lửa sẽ tắt, nếu đưa thủy tinh lại gần thủy tinh sẽ bị rạn nứt, vỡ... Trong khi đó, không có tài liệu nghiên cứu nào nói đến và ghi chép lại.
Hồi năm 2006, tờ Công an Nhân dân thuật lại câu chuyện do một trưởng công xã Thái Sơn kể lại. Theo đó, khi tới xem quá trình thử đồng đen của một nhóm người, có nhiều "hiện tượng lạ" xảy ra.
"Một ông khách cầm tấm kính khá dày bỏ vào trong tủ rồi khóa lại. Lát sau mở ra, tấm kính rạn nứt như ruộng lúa gặp hạn. Mấy người đến gần tủ bật lửa, quẹt hết bao diêm cũng không cháy. Có người còn đốt nến mang đến gần tủ, lửa tắt luôn," cán bộ này cho hay.
Có người thuê chuyên gia đồ cổ, nhà khoa học, nhà hóa học thử đồng đen bằng những máy móc, phương pháp hiện đại, song cũng đều bị thuyết phục bởi lời lẽ của những "chuyên gia" này.
Một chuyên gia buôn đồ cổ rất nổi tiếng ở Hà Nội kể rằng đã tận mắt xem thỏi đồng đen chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá, nhưng cảm giác rất nặng, có lẽ phải đến 3 kg. Kì lạ ở chỗ, khi thả thỏi đồng đen vào chậu nước bằng sắt (phải là chậu bằng sắt) thì thỏi đồng đen không chìm xuống đáy mà cứ lơ lửng. Chưa hết, nếu cọ nhẫn vàng thật vào thì màu vàng sẽ biến thành màu trắng như nhôm. Đáng sợ ở chỗ, nếu lỡ chạm vào đồng đen, người sẽ mệt lử mấy ngày mới hết (?!).
Lật tẩy thủ đoạn
Những thông tin về đồng đen hóa ra chỉ là điều được các nhóm lừa đảo dựng lên. Theo Công an Nhân dân, những trò gương lành nứt vỡ hay lửa tắt khi dí lại gần đồng đen chỉ là những trò "ảo thuật". Những tên lừa đảo sẽ đem tấm kính nung vào chảo cát. Khi tấm kính nóng, phun mấy giọt nước vào sẽ rạn nứt hết. Trong lúc thử, chúng sẽ nhanh tay tráo tấm kính rạn vào thế chỗ kính lành. Hay còn cách khác, chúng sẽ dính lành kính đã vỡ. Khi đặt vào gần cục đồng đen, chỉ nặng tay một chút là kính rạn vỡ như cũ ngay
Khi thực hiện màn trình diễn này, những kẻ lừa đảo còn tìm cách thổi giá cho đồng đen bằng những thông tin như kiểu "Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA (Mỹ) đang rất cần kim loại này, giá hàng chục triệu USD một thỏi" hoặc đưa người bị lừa tới những căn nhà được dàn dựng sẵn với hàng chục người tranh giành nhau một thỏi "kim loại quý". Đối tượng bị nhóm lừa đảo nhắm tới thường là những người nhiều tiền, ham chơi đồ cổ, sưu tập khoáng vật quý.
Như vậy, rõ ràng đồng đen chỉ là thông tin được các nhóm lừa đảo dựng lên để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Đồng đen trong lịch sử Việt Nam
Đồng đen từng được nhắc đến trong các câu chuyện lịch sử mang màu sắc huyền ảo.
Trong câu chuyện "Sự tích Hồ Tây", vào thời nhà Lý, nước ta rất thiếu kim khí vì bị Trung Quốc vơ vét chở hết về nước. Khi đó, ở thành Đại La xuất hiện một nhà sư pháp thuật cao cường tên là Không Lộ. Ông đã mang túi vải sang Trung Quốc, vào tận kho chứa của của vua Tống rồi làm phép lấy hết những thứ quý hơn vàng, gọi là đồng đen.
|
Ảnh minh họa
|
Vua Tống biết chuyện nổi giận đùng đùng, tìm cách giết hại Không Lộ. Tuy nhiên, nhà sư nước Việt đã cao chạy xa bay. Về tới nơi, ông tập hợp thợ rèn cả nước đúc cái chuông đồng đen khổng lồ hình hoa sen.
Những người thợ rèn nước Việt đã dựng một ngôi đền thờ cạnh Hồ Tây để nhớ ơn nhà sư Không Lộ đã dạy cho họ phương pháp đúc đồng. Vua nhà Lý đã ban sắc phong tặng sư Không Lộ biệt danh là Thần Thợ Đúc. Câu chuyện trên đây kể về đồng đen mang màu sắc truyền thuyết, nên giá trị của đồng đen thế nào, không thể dựa vào đó mà kết luận được.
Một câu chuyện lịch sử khác cũng có liên quan tới đồng đen, mà cụ thể là liên quan tới ngôi đại tượng ở Đền Quán Thánh, trên đường Thanh Niên.
Đền Quán Thánh được xây dựng vào thời Vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Thánh Trấn Vũ, hình tượng kết hợp giữa một nhân vật thần thoại Việt Nam, giúp An Dương Vương trừ ma quấy rối khi xây thành Cổ Loa và nhân vật thần thoại Trung Quốc, coi giữ phương Bắc.
Theo Công an Nhân dân, trong đền có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen, đúc năm 1667. Tượng cao 3,96m, chu vi 3,48m, nặng 3,6 tấn. Tượng có hình dáng người ngồi, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm. Thân thanh gươm có rắn quấn và chống lên lưng rùa. Pho tượng mang dáng dấp một đạo sĩ. Có thể nói đây là một công trình nghệ thuật độc đáo đánh dấu kỹ thuật đúc đồng của người Hà Nội cách đây nhiều thế kỷ.
Dù vậy, vật liệu đúc tượng chỉ đơn thuần là "đồng màu đen" chứ không phải kim loại có sức mạnh kì diệu như lời truyền miệng. Nhiều người đã mang gương, bật lửa, đốt nhang cạnh tượng, cho vàng chạm vào tượng nhưng đều không có chuyện gì xảy ra. Do đó, đồng đen vẫn chỉ tồn tại trong những câu chuyện huyền thoại do các nhóm lừa đảo dựng lên.