SEVEN.am bị tố nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác: "Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự"

Google News

(Kiến Thức) - Xoay quanh nghi vấn SEVEN.am bị tố nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, việc một doanh nghiệp cắt nhãn mác hàng hóa để dán mác thương hiệu khác vào là hành vi lừa dối khách hàng.

Dư luận đang xôn xao trước thông tin nghi vấn thương hiệu thời trang SEVEN.am nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác, bán ra thị trường.
Theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA ở tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội). Trước khi xuất đi hàng chục showroom, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào sẽ phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.
SEVEN.am bi to nhap hang Trung Quoc roi cat mac:
Sản phẩm được cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.am. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô).  
Trước lùm xùm này, trả lời một số cơ quan truyền thông ông Nguyễn Vũ Hải Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MHA xác nhận có nhập hàng Trung Quốc nhưng đều có hóa đơn. Vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần MHA đồng thời khẳng định: "Đôi khi có cắt mác cổ vì khách hàng kêu ngứa, những chỗ khác như mác sườn thì vẫn còn. Tôi khẳng định những sản phẩm nào bên tôi không sản xuất thì không gắn mác SEVEN.am. Khi bán hàng nhân viên cũng nói rõ "đây là hàng Trung Quốc".
Đánh giá về tính pháp lý trong sự việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc một doanh nghiệp thương mại cắt nhãn mác hàng hóa để dán mác thương hiệu khác vào là hành vi lừa dối khách hàng.
SEVEN.am bi to nhap hang Trung Quoc roi cat mac:
  Cửa hàng SEVEN.am trên phố Thái Hà. (Ảnh: Ngọc Khánh/VTC NEWS).
Theo quy định của pháp luật thì lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng khi thực hiện hợp đồng mua, bán.
Luật sư Cường phân tích: Hành vi lừa dối khách hàng có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm Hình sự. Trong trường hợp nếu có khách hàng mà thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên thì người lừa dối khách hàng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Lừa dối khách hàng”.
Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan thuế sẽ làm rõ các sai phạm, trách nhiệm khác của doanh nghiệp này trong việc xuất nhập khẩu, kê khai nộp thuế. Nếu đủ căn cứ xử lý hình sự thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét giải quyết. Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự về các tội danh như: trốn thuế, buôn lậu, lừa dối khách hàng thì vẫn có thể xem xét trách nhiệm bằng chế tài hành chính nếu có vi phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị: “SEVEN.am là một thương hiệu có tiếng trong thời gian gần đây, việc kinh doanh của Công ty này có ảnh hưởng lớn đến thị trường và quyền lợi của rất nhiều người tiêu dùng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, mức độ vi phạm để có hình thức xử lý cho phù hợp”.
Theo cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty cổ phần MHA tăng vốn điều lệ từ 4,8 tỷ đồng lên 9,9 tỷ đồng hồi giữa năm 2018. Trong đó, gồm ba cổ đông sáng lập: Ông Nguyễn Vũ Hải Anh nắm 60%, ông Đặng Quốc Anh nắm giữ 30% (ông Quốc Anh cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty này) và bà Nguyễn Vũ Mai Hương nắm 10%.
Ngoài việc kinh doanh thời trang, ông Nguyễn Vũ Hải Anh còn là một diễn viên quen thuộc trên màn ảnh nhỏ.
Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)