Sinh ra và lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, anh Hoàng Anh (SN 1990), trú tại Ngọc Thuỵ, Long Biên (Hà Nội) đã quen thuộc với hình ảnh con côn trùng giống gián, có đầy ở đồng ruộng, đó là con cà cuống.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá đã tác động không nhỏ đến môi trường sống của loại côn trùng này, khiến chúng hầu như biến mất khỏi đồng ruộng nơi anh đang ở. Trong khi đó, tại các nhà hàng, cà cuống được sử dụng làm gia vị và được bán với giá vô cùng đắt đỏ.
Các món ăn từ cà cuống được bán với giá rất đắt đỏ.
Thấy vậy, anh quyết tâm thử sức với việc nuôi cà cuống tại nhà. Ngoài công việc buôn bán tự do, anh bỏ số tiền 1,5 triệu đồng để mua 10 con cà cuống về nuôi.
“Khi ấy ở miền Bắc rất ít người bán con giống cà cuống. Tôi phải đặt mua tận miền Nam với giá 300 nghìn đồng/cặp về nuôi, nhưng do không hợp khí hậu lại không am hiểu về kỹ thuật nuôi nên chết hết”, anh Hoàng Anh kể.
Cà cuống có thân hình dẹt, nhìn thoáng qua rất giống con gián.
Chết lứa đầu, anh lại mua tiếp lứa sau về nuôi. Chỉ trong vòng gần 1 năm, hơn 30 triệu đồng “không cánh mà bay” theo những đợt nuôi cà cuống thử nghiệm.
“Người bán giống họ giấu kinh nghiệm, không chia sẻ kỹ thuật nuôi cho mình. Thất bại nhiều quá, gia đình và bạn bè ai cũng phản đối nhưng vì đam mê quá nên tôi tìm hiểu bằng được mới thôi”, anh Hoàng Anh nói.
Qua nhiều lần thất bại, những con cà cuống đầu tiên được anh nuôi thành công sau gần 1 năm. Vui mừng, anh mang tặng thành quả của mình cho anh em, bạn bè dùng thử và tiến hành bán giống cho những người cùng đam mê. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho từng người có nhu cầu.
Ngoài bán thương phẩm, anh Hoàng Anh còn bán trứng cà cuống và cà cuống giống.
Theo anh Hoàng Anh, điều kiện đầu tiên để cà cuống không bị chết và hao hụt là tạo môi trường nuôi phải thật sạch sẽ, không bị nhiễm thuốc trừ sâu hay phân hoá học. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước sạch sẽ, người nuôi phải thay nước thường xuyên
Thức ăn của cà cuống phải là thực phẩm tươi sống như cá, ếch, nhái. Nếu cung cấp nguồn thức ăn không đầy đủ sẽ dẫn đến tình trạng cà cuống cắn nhau nhưng nếu cho ăn quá nhiều, thức ăn không tiêu thụ hết cũng sẽ làm ô nhiễm nguồn nước khiến cà cuống bị chết.
Để cà cuống có điều kiện sinh sản tốt nhất, người nuôi cũng cần phải thiết kế những chiếc cây, cọc xung quanh bể nuôi, ao nuôi để con cái đẻ trứng.
Mỗi con cà cuống đực thương phẩm được bán với giá 50 nghìn đồng, cà cuống giống có giá 200 nghìn đồng/cặp.
Sau khi đẻ xong, cà cuống sẽ bám vào cây hoặc bay tà tà trên mặt nước. Con đực sẽ đến quạt khí cho trứng nở. Những con cái khác sẽ tìm đến ghép đôi cùng con đực và tìm cách phá huỷ trứng của con khác để đẻ trứng của mình. Vì vậy, người nuôi cần tách những con cái chưa đẻ sang một chiếc bể khác.
Ngoài ra, quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến lúc trưởng thành, con cà cuống phải mất khoảng 40 ngày và trải qua 5 lần lột xác. Vì vậy, phải chú ý theo dõi để vớt phôi xác để tránh ô nhiễm nguồn nước.
Nắm chắc kỹ thuật nuôi và quá trình nuôi bài bản, dần dần, từ việc nuôi trong thùng xốp hay thùng nước chỉ vài trăm lít, anh Hoàng Anh đã nhân rộng mô hình thành trang trại rộng 200m2 với 10 bể nuôi xi măng.
Mô hình nuôi cà cuống của anh được nhiều người đến thăm quan, học hỏi.
Mỗi tháng, anh bán ra từ 1.000-2.000 con cà cuống với giá bán giống là 200 nghìn đồng/cặp và 50.000 đồng/con cà cuống đực thương phẩm. Chỉ tính riêng cà cuống đực thương phẩm khoảng 80-100 con/kg sẽ có giá bán khoảng 5 triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn tiến hành sản xuất nước mắm cà cuống để bán với giá 160 nghìn đồng/chai 330ml, có 2 con cà cuống. Chỉ riêng trong tháng 1/2022, anh bán ra thị trường khoảng 2.000 chai nước mắm, nâng doanh thu từ việc nuôi cà cuống lên khoảng 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 300-400 triệu/năm.
Chia sẻ dự định trong thời gian tới, anh Hoàng Anh cho biết, anh sẽ tiến hành mở xưởng sản xuất nước mắm cà cuống đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô trang trại nuôi cà cuống và hỗ trợ nhiều hơn nữa những người muốn khởi nghiệp từ loại côn trùng giống gián này.