Vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Điều, chị Ngô Thị Thương (xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là bạn học cùng nhau tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội I (khoa Chăn nuôi Thú y). Tốt nghiệp ra trường anh Điều xin làm việc tại anh một công ty chăn nuôi và cũng tích lũy được một số kinh nghiệm nhất định.
Sau khi kết hôn, năm 2014, anh chị đã quyết tâm về quê hương Kiến Thụy để gây dựng sự nghiệp, phát triển kinh tế một cách độc lập.
Sẵn có kiến thức về chăn nuôi học tại trường cộng với việc thực tế khi đi làm. Vợ chồng anh Điều đã đầu tư xây dựng trang trại trên diện tích 7000m2, mua trên 500 con lợn giống về nuôi.
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, đàn lợn nuôi đang đến giai đoạn xuất chuồng lần lượt lăn đùng ra chết. Sự nghiệp chăn nuôi bắt đầu đi vào ngõ cụt khi gia đình anh Điều đã phải tiến hành tiêu hủy trên 46 tấn lợn nhiễm dịch tả năm đó.
Không thể tiếp tục tái đàn, anh chị phải dừng nuôi lợn chuyển sang nuôi gà, vịt. Tại thời điểm đó, hầu hết các trang trại nuôi lợn bị dịch đều chuyển hướng sang nuôi gà, vịt. Vì thế lượng cung nhiều hơn cầu, khiến gà, vịt đều mất giá, vợ chồng anh Điều lại một lần nữa lâm vào cảnh thua lỗ trong chăn nuôi.
Băn khoăn mất mấy tháng, anh Điều nhận thấy mô hình nuôi chim bồ câu cũng đang được phát triển, thị trường tiêu thụ rộng lớn, người nuôi cũng chưa nhiều. Vợ chồng anh Điều tiến hành phân tích, hoạch toán đầu vào, đầu ra của từng sản phẩm mình đã nuôi. Cuối cùng vợ chồng anh Điều đã đi đến thống nhất chọn hướng mới và chuyển sang nuôi chim bồ câu.
Từ trại nuôi lợn có sẵn trước đó, vợ chồng anh Điều bỏ công đầu tư cải tạo, sửa sang làm lại mới cho phù hợp, mua thêm thép về ngăn thành từng dãy lồng to nhỏ, để lối đi lại chăm sóc chim bồ câu một cách thuận tiện.
Tại mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ngăn để ngăn nuôi các cặp chim bố mẹ. Phía ngoài, anh chị tiến hành lắp đặt thêm hệ thống cấp nước uống tự động. Trang bị quạt thông gió bảo đảm chuồng trại cho đàn chim bồ câu luôn luôn thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Sau đó đi mua 2.000 cặp chim bồ câu Pháp về nuôi.
Từ 2.000 cặp chim bồ câu Pháp, sau 4 năm, trang trại của gia đình anh Điều hiện có 7.000 cặp. Chim con được phân loại thành chim giống và chim thịt trước khi bán. Ở thời điểm hiện tại, chim giống được bán với giá 250.000 - 350.000 đồng/đôi, chim thịt 150.000 đồng/đôi. Mỗi năm, trang trại của anh cung cấp ra thị trường 240.000 con chim.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt về kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp, anh Điều cho biết, nuôi chim bồ câu Pháp không khó nhưng khá vất vả. Ngoài việc nắm kỹ thuật nuôi tốt ra thì việc lựa chọn con giống cũng không kém phần quan trọng. Đặc biệt, môi trường nuôi chim bồ câu phải luôn đảm bảo sạch sẽ để hạn chế bệnh dịch.
Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Điều trên đất Hải Phòng cung cấp cho thị trường 240.000 con chim câu/năm. Chim bồ câu nổi tiếng là loài chim chung thủy, đẻ sòn sòn, cản chả kịp...
Các mối giao hàng của gia đình anh Điều đến từ nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên… Để đảm bảo liên kết các mối hàng, vợ chồng anh Điều còn nhận tiêu thụ cho một số gia đình nuôi chim bồ câu Pháp tại các trang trại lân cận.
Trong quá trình nuôi chim bồ câu, vợ chồng anh Điều nhận thấy giống chim Pháp khá khỏe, dễ thích nghi và khả năng chống chọi dịch bệnh tốt. Thịt chim bồ câu được chế biến thành nhiều món ăn và là nguồn thực phẩm bổ dưỡng rất được nhiều người ưa chuộng. Giá trị kinh tế từ nuôi chim bồ câu luôn cao hơn những con vật khác mà vợ chồng anh Điều đã từng nuôi.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai xây dựng "Mô hình nuôi giống gia cầm mới (chim bồ câu Pháp) an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" tại gia đình. Qua 6 tháng triển khai mô hình với 4.800 đôi chim bồ câu, tỷ lệ sống đạt 95%, hiệu quả kinh tế tăng 20%.
Bằng chính sự trải nghiệm, tích lũy làm nông nghiệp nhiều năm, vợ chồng anh Điều, chị Thương đã đưa kinh tế gia đình phát triển và giúp nhiều hộ gia đình khác làm giàu từ việc nuôi chim bồ câu Pháp.