Điều đặc biệt đó là tỷ lệ trẻ được uống sữa học đường ở các huyện miền núi vùng sâu vùng ngày càng nhiều, lên tới 80-94%.
Hân hoan những con số biết nói
Cô Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng Giáo dục huyện Quỳ Châu - đơn vị dẫn đầu về tỉ lệ học sinh đăng kí tham gia chương trình Sữa học đường chia sẻ: “Quỳ Châu là huyện miền núi cao có 12 xã thị trấn trong đó có 10/12 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Nhờ cơ chế hỗ trợ linh hoạt của Chương trình mà phần lớn học sinh mầm non và tiểu học trong huyện có cơ hội được uống sữa học đường.”.
|
Trẻ em các huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Nghệ An được uống sữa học đường như các bạn vùng xuôi. |
Năm học 2016-2017 là năm thứ hai huyện Quỳ Châu tham gia chương trình thí điểm Sữa học đường. Toàn huyện Quỳ Châu có hơn 8.600 học sinh mầm non và tiểu học thì có tới gần 8.000 em uống sữa học đường. Tính chi li con số thì có 5.000 học sinh được uống sữa miễn phí, hơn 1.100 học sinh được hỗ trợ 50% chi phí và khoảng 2.000 học sinh thuộc diện được hỗ trợ 30% chi phí.
Cô Châu cho rằng: “Với chúng tôi, Đề án Chương trình Sữa học đường là một mô hình can thiệp dinh dưỡng cụ thể, một cơ hội lớn với kì vọng phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em trên toàn huyện, nhất là trong bối cảnh hiệu quả cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em ở đối tượng nghèo, cận nghèo tại các vùng dân tộc thiểu số chưa cao”.
Một đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng xuất sắc khi có tỷ lệ trường tham gia chương trình Sữa học đường năm học 2016-2017 đạt 100%, tỷ lệ học sinh tham gia chương trình sữa học đạt 93,1% đó là thị xã Hoàng Mai. Thể lực học sinh sau khi thực hiện chương trình Sữa học đường năm học vừa qua tại đây cải thiện đáng kể: Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 10% xuống 5,7%; suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 9,4% xuống 5,9%.
Những con số nói trên phần nào đã khẳng định được ý nghĩa mà chương trình mang đến cho các em là hết sức to lớn. “Món quà” sữa học đường dành cho con trẻ không chỉ giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của các em nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng mà còn góp phần nâng cao tầm vóc, từ đó phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Càng vùng sâu vùng xa tỷ lệ trẻ được uống sữa càng cao
Hiện trên cả nước, mới chỉ có duy nhất Nghệ An là tỉnh triển khai được Chương trình Sữa học đường trên phạm vi toàn tỉnh, áp dụng cho học sinh mầm non và tiểu học suốt cả năm học. Các tỉnh khác chỉ triển khai được chương trình sữa học đường cho một nhóm nhỏ đối tượng, trong thời gian ngắn hơn và phạm vi nhỏ hơn rất nhiều.
|
Niềm vui nho nhỏ mỗi ngày đến trường là uống sữa học đường. |
Năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 200.000 trẻ em tham gia chương trình sữa học đường. Tới năm học 2016-2017, con số này đã tăng lên hơn 311.000 em tham gia. Chương trình đã được triển khai hiệu quả và mang tính nhân văn, trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa được uống sữa từ sự hỗ trợ từ doanh nghiệp và ngân sách nhà nước.
Theo số liệu tổng kết triển khai chương trình sữa học đường tại Nghệ An cho thấy, càng là các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa thì trẻ em được uống sữa học đường ngày càng nhiều, tỉ lệ lên tới 80-94%. Bởi Nghệ An đang duy trì một cơ chế hỗ trợ hết sức nhân văn: tài trợ 100% chi phí sữa cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, con thương binh, con liệt sỹ, con người có công với cách mạng; tài trợ 50% chi phí sữa cho học sinh thuộc diện hộ cận nghèo và tài trợ 30% cho học sinh thuộc diện còn lại.
Sở dĩ Nghệ An có thể trở thành một hình mẫu về Chương trình Sữa học đường là nhờ tỉnh đã phối hợp rất hiệu quả với Tập đoàn TH. Trong năm học thứ 2 đồng hành cùng UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn TH đã hỗ trợ số lượng sữa và chi phí vận hành trị giá hơn 138 tỷ đồng.