Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) những năm qua chịu nhiều sức ép trong quan hệ bảo tồn và phát triển, đỉnh điểm là các hộ dân xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia làm nóng dư luận. Dù "bài toán" này đã có lời giải song do thực hiện kéo dài, nhiều ngôi nhà cổ ở Đường Lâm tiếp tục xuống cấp, thậm chí có nhà xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng của người dân.
Sống chung với mối nguy hiểm
Đang sở hữu ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, thay bằng niềm tự hào, những năm gần đây gia đình ông Nguyễn Trung Hiền, xóm 6, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, luôn sống trong trạng thái bất an, lo sợ nhà sập bất kỳ lúc nào. Vốn dĩ nhà có 5 gian nhưng do một gian bên trái mối mọt, xuống cấp, không thể giữ được nên gia đình đành dỡ bỏ. Bốn gian còn lại cũng trong tình trạng rui mè mối mọt, ải, mục, khi mưa là dột. Năm ngoái, một cái xà gian buồng bên phải do mục lâu ngày bị rơi, rất may không rơi vào người.
|
Ngôi nhà cổ loại 1 có niên đại 200 năm của gia đình ông Nguyễn Huy Chưởng, xóm Đình, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN |
Trước sự xuống cấp trầm trọng, năm 2015, thị xã Sơn Tây đầu tư chống đỡ phía trong ngôi nhà tránh sự cố sập nhà có thể xảy ra, đồng thời căng bạt phía trên phòng khi mưa gió bị dột. Với lượng cột chống chằng chịt trong nhà nhưng nguy cơ vẫn hiển hiện, gia đình ông đành cải tạo gian bếp bằng kinh phí hỗ trợ từ đơn vị quân đội của con trai ông làm nơi ở và dựng thêm hai gian nhà nhỏ khác. Hai nơi này chính là chỗ sinh hoạt tạm thời cho 6 người thuộc ba thế hệ trong gia đình.
Dẫn khách vào thăm nhà, ông Nguyễn Trung Hiền giãi bày: “Tình trạng nhà xuống cấp nặng kéo dài 5 – 7 năm nay. Dù được chống đỡ nhưng gia đình không dám ở, đành để lại ban thờ ở gian giữa để lấy chỗ thờ cúng các cụ.”
Cũng trong tình trạng như vậy, ngôi nhà 200 năm tuổi được xếp hạng nhà cổ loại 1 của gia đình ông Nguyễn Huy Chưởng, xóm Đình, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, bị xuống cấp trầm trọng, rui mè, cột, xà phía trên bị mối xông mục, rỗng, ngói xô mái. Thậm chí góc giao giữa tường và mái còn hở khoảng trống lớn phía trong buồng.
Cũng phải chằng chống như ngôi nhà ông Nguyễn Trung Hiền, nhưng gian nhà phụ phía dưới chỉ đủ chỗ ở cho hai vợ chồng ông, còn gia đình con trai vẫn ở căn nhà cổ. Mọi sinh hoạt trong gia đình, từ việc đi lại, học hành của trẻ con rất bất tiện, nhất là khi trời mưa gió. Ông cho biết, ngôi nhà cổ này từng bị rơi một xà nóc, ngay đầu năm còn bị rơi mấy chục viên ngói vẩy.
|
Có gia đình đã tiến hành sửa nhà để cải thiện điều kiện sinh sống. Đây cũng là hồi chuông báo động giá trị văn hóa vô giá của làng cổ Đường Lâm đang dần bị mai một. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN |
Chia sẻ nỗi niềm, ông cho rằng: “Sống ở nơi xuống cấp, nguy hiểm, không ai tránh khỏi lo lắng nhưng vẫn phải chấp nhận. Điều mong muốn nhất là cơ quan chức năng sớm đầu tư, tu bổ lại căn nhà để gia đình yên tâm sinh sống, làm ăn”.
Ngoài hai ngôi nhà trên, ở Đường Lâm còn rất nhiều ngôi nhà khác cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Cần sớm tu bổ lại nhà cổ
Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây” giai đoạn 2014 - 2020 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành năm 2014 quy định rõ việc đầu tư tu bổ các ngôi nhà cổ xuống cấp. Trong tổng số 99 ngôi nhà cổ loại 1 và loại 2 có niên đại từ 100 - 400 năm đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần ưu tiên đầu tư, tu bổ các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt chưa được Nhà nước đầu tư tôn tạo.
Trong số các ngôi nhà cổ cần tu bổ, có 10 ngôi đã tôn tạo (từ năm 2011 - 2014),10 ngôi nhà tiếp tục được tôn tạo giai đoạn 2014 – 2016, 30 ngôi nhà tôn tạo giai đoạn 2017 – 2020, 49 ngôi nhà còn lại thực hiện trong các năm tiếp theo. Mức vốn đầu tư từ ngân sách thành phố tối đa là 800 triệu đồng mỗi ngôi nhà, phần kinh phí còn lại do ngân sách thị xã, ngân sách xã và các hộ dân có nhà cổ đóng góp. Năm 2016 sau khi thực hiện tổng kiểm kê, đánh giá phân loại di tích, thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục di tích các quận, huyện, thị xã, số lượng nhà cổ tại Đường Lâm tăng lên hơn 100 ngôi.
Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, sau khi thành phố Hà Nội ban hành đề án, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm phối hợp với các nhà khoa học và các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, đánh giá mức độ xuống cấp của các ngôi nhà cổ, lựa chọn 10 ngôi nhà có giá trị đang xuống cấp nghiêm trọng làm dự án tu bổ, làm căn cứ để thị xã Sơn Tây đề nghị thành phố bố trí nguồn kinh phí đầu tư.
Năm 2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương chấp thuận đầu tư. Năm 2016, dự án tu bổ 10 ngôi nhà cổ được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chấp thuận chủ trương đầu tư. Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của 10 ngôi nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng này.
Tuy vậy, đến nay thành phố vẫn chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư. Trung tuần tháng 5 vừa qua, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây đã tổ chức hội nghị liên quan đến tu bổ các ngôi nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng, mời đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính khảo sát mức độ xuống cấp của các nhà cổ và đề nghị sớm bố trí nguồn vốn đầu tư.
Trong khi đợi nguồn vốn bố trí của thành phố Hà Nội, Ban quản lý làng cổ Đường lâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra thực trạng xuống cấp của các ngôi nhà cổ, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến. Ngoài việc thực hiện chống sập cấp thiết cho hai ngôi nhà cổ trên, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm đề nghị thị xã Sơn Tây chỉ đạo xã Đường Lâm và chủ những ngôi nhà cổ chằng chống, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. “Đây là công việc rất quan trọng để người dân sống trong di sản tham gia bảo tồn di sản. Khi họ có cuộc sống ổn đinh thì lúc đó họ sẽ tích cực phát huy giá trị di tích”, ông Phạm Hùng Sơn khẳng định.