Nhiều bộ ngành ở Hà Nội sau khi nhận trụ sở mới, nhiều năm cũng không bàn giao lại trụ sở cũ
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) khi góp ý liên quan Điều 31, dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã đưa ra đề nghị thẳng thẳn:
“Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận mới khác, nên định hướng trụ sở, chọn hình thức là mô hình khu hành chính tập trung, coi đây là xu hướng và là bắt buộc nhưng bắt buộc không phải là bắt buộc ngay mà là bắt buộc khi phải thỏa mãn điều kiện về mặt quy hoạch, về mặt diện tích và nhu cầu. Chẳng hạn địa phương người ta đủ hết trụ sở rồi thì không thể xây thêm khu hành chính tập trung. Tôi đề nghị luật chỉ nên dừng lại ở định hướng. Còn sau đấy Chính phủ nên ban hành một nghị định riêng về vấn đề này. Đó là vấn đề trụ sở và các mô hình của nó.”.
|
Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn
|
Đại biểu Ngọ cũng đề nghị xác định rõ thời hạn cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí trụ sở làm việc tại khu hành chính tập trung, có trách nhiệm bàn giao lại trụ sở làm việc tại vị trí cũ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Theo tôi thời hạn nên là 6 tháng kể từ khi cơ quan này nhận trụ sở mới. Vì trên thực tế như trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, nhiều bộ, ngành sau khi nhận trụ sở mới thì đến rất nhiều năm cũng không bàn giao lại trụ sở cũ, mặc dù trong đề án xây dựng đều khẳng định diện tích như vậy đủ điều kiện để bố trí cho cơ quan mới trong điều kiện mới. Tôi nghĩ chúng ta nên quy định thời hạn và các cơ quan phải chấp hành nghiêm túc nội dung này”.
Không chỉ biển số đẹp là tài sản công
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) khi góp ý về phân loại tài sản công quy định tại Điều 4 cho biết: “Tôi xin làm rõ thêm không chỉ biển số đẹp là tài sản công mà tất cả các biển số đều là tài sản công. Việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định. Theo tôi, vì tài sản công nên biển số được xem là đẹp phải là biển số được đa số đồng tình. Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể. Ví dụ như 20 triệu/số. Đối với những số bắn đúc ngẫu nhiên cũng sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền. Vì Khoản 22, Điều 28 của Luật giao thông đường bộ quy định cấm mua bán biển số xe. Trong khi dự thảo luật này không quy định rõ biển số xe là được mua bán.
“Một số chính sách đưa ra để đạt hiệu quả thì phải có tính khả thi trong thực tiễn. Với trách nhiệm là một trong số những đại biểu đồng ý đề xuất tại hội trường về đấu giá, định giá biển số, tôi cũng tham khảo, trao đổi, quan sát các biển số của nhiều đối tượng để tổng hợp trong thực tiễn. Bên cạnh đó, qua cảm nhận chủ quan của đại biểu, tôi cũng đã liệt kê cụ thể trong mục series 99.999 số thì có 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết 1 series chúng ta có thể thu được 1.639 tỷ đồng. Với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc thì nếu chúng ta thực hiện chủ trương này trong năm 2016 thì chúng ta đã có thể thu được gần 5.000 tỷ đồng và nếu chúng ta triển khai tương tự với xe hai bánh thì chúng ta cũng thu được một số tiền tương tự. Tôi đề nghị khi Quốc hội thông qua, dự thảo luật có nội dung kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật theo Khoản 6, Điều 4 thì các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện để việc đấu giá biển số đáp ứng được nhu cầu của xã hội ”, Đại biểu Cảnh nói.
Số nhà mà coi là kho số để quản lý nhà nước, mà lại là tài sản đem ra đấu giá
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khi nêu ý kiến về nội dung xác định tài sản nhà nước để đưa vào quản lý cho biết:
“Toàn bộ số nhà hiện nay, chúng ta đặt số nhà quản lý theo dãy phố, bên chẵn bên lẻ, chúng ta coi đây là kho số để quản lý nhà nước, mà lại là tài sản đem ra đấu giá, vậy thì nhà tôi đến đây số 13, tôi bảo không thích số 13, tôi đấu giá một số khác, không nằm theo trật tự quản lý của chúng ta là 1, 3, 5, 7 thì chúng ta sẽ quản lý thế nào. Ở đây tôi đề nghị chúng ta hết sức cân nhắc điều này vì thực sự tâm lý cần số đẹp là có nhưng số đó là số ít. Luật chúng ta quy định thế này, sau này liên quan đến một loạt các luật khác, chúng ta sẽ quản lý rất khó khăn, mà chưa chắc chúng ta đã thu được gì”, Đại biểu Phương nhấn mạnh.
|
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội). Ảnh quochoi.vn
|
"Bây giờ cứ lợi dụng, lạm dụng xe công một cách cứng nhắc thì tôi thấy rất nhiều vi phạm"
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khi góp ý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Đối với Điều 11 về các hành vi cấm, trước hết, tôi cho rằng, chúng ta đều đồng tình rất cao với việc chống lạm dụng, lợi dụng, chiếm đoạt với các tài sản công. Đó là một tư tưởng đúng. Tuy nhiên, nếu quy định như vậy thì việc xử lý rất khó. Ví dụ, chuyện lợi dụng, lạm dụng xe công. Bây giờ cứ lợi dụng, lạm dụng xe công một cách cứng nhắc thì tôi thấy rất nhiều vi phạm. Có trường hợp đi công tác nhưng rồi ghé về thăm quê hay như đi làm hàng ngày rồi khi về ghé đi thăm bệnh nhân, người nhà ở bệnh viện, nếu xét cho cùng thì đấy là vi phạm và lạm dụng xe công. Tuy nhiên, có đến mức phải xử lý không vì nếu như quy định một cách cứng nhắc trong luật như vậy thì phải xử lý”.
“Hiện nay các cơ quan, tổ chức có rất nhiều cơ quan cho thuê, ví dụ như một trung tâm hội nghị quốc tế cho thuê tổ chức đám cưới thì việc cho thuê như thế có đúng hay không, làm thế nào để phân biệt việc cho thuê là đúng hay không đúng liên quan đến Điều 35 tôi sẽ phân tích. Nếu quy định sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ là hành vi cấm, nếu quy định sử dụng như thế nào ở đằng sau thì nó lại cần có đảm bảo một sự thống nhất”, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.
“Điều 12 tôi xin có ý kiến việc ở đây quy định về việc cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đối tượng có hành vi vi phạm về pháp luật quản lý sử dụng, gây thiệt hại cho nhà nước thì phải bồi thường. Quy định về mặt nguyên tắc như thế này thì cũng đúng, nhưng thực tế rất khó, tôi nói ví dụ như một đồng chí lái xe được giao cho lái xe cho một cơ quan. Có thể đồng chí không hoàn toàn có lỗi gì khi xảy ra tai nạn, do một xe khác người ta đâm vào, hoặc thậm chí đỗ bên đường một xe khác đâm vào, bây giờ quy hết trách nhiệm cho lái xe là người ta phải bồi thường thì có đúng hay không. Tôi nghĩ cần phải quy định rõ việc này, là trách nhiệm lỗi cố ý, lỗi vô ý và có lỗi hay không có lỗi ở đây, không phải quy định như thế này thì phải bồi thường hết là không đúng”, Đại biểu Cương nói.
“Khoản 1, Điều 35 quy định việc bố trí, sử dụng tài sản công phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, đúng định mức chế độ. Tôi nghĩ cần phải làm rõ ở đây việc thế nào là đúng định mức. Ví dụ, bây giờ giao một xe cũ cho một cá nhân nào đó mà tiêu chuẩn của đối tượng được sử dụng xe con. Phó Chủ nhiệm hay Thứ trưởng tiêu chuẩn là 900 triệu, có khi anh lại cho người ta sử dụng một xe cũ, chỉ trị giá có 100 - 200 triệu thì có đúng hay không. Tôi nghĩ rằng, khi đã quy định là phải đúng thì tất cả phải đúng, kể cả giao dưới cũng không được, tức là trần ở trên anh quy định là 900 triệu hoặc Bộ trưởng là 1 tỷ 100 hay 1 tỷ 200, nếu ở dưới mức đấy là không được, không được giao dưới. Tôi nghĩ rằng nếu mình chỉ quy định thế này thì rất khó thực hiện”.
"Nhiều đơn vị khi được biếu, tặng ô tô thì gợi ý ô tô bên này có rồi, nhờ chuyển qua tiền luôn"
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nói về điều Điều 11, các hành vi bị cấm cho biết: “Tôi lưu ý ở Khoản 4, sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, cho không đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ. Trong nội hàm ở đây có thể phải hiểu là không phải tài sản công của cá nhân, các đơn vị khác tặng và có thể có cả tiền, vì rất nhiều đơn vị khi người ta biếu, tặng thì gợi ý luôn, bây giờ định tặng ô tô nhưng ô tô bên này có rồi thì nhờ chuyển qua cho tiền luôn, đó là sự thật".