Liên quan đến vụ sập nhà cổ Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) xảy ra khoảng 12h45 trưa ngày 22/9 khiến nhiều người thương vong, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hoa cho biết, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo bị sập gồm ba khối xây từ thời Pháp, khối một là mặt tiền gồm hai tầng.
“Khối bị sập là khối 2, là hội trường, xây dựng hình mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích 300m2. Thời gian sập vào buổi trưa. Trước khi bị sập, khối nhà có hiện tượng rung lắc nên Ban quản lý đường sắt khu vực 1 đã kịp thời sơ tán nhân viên. Hiện khối nhà bị sập toàn bộ hội trường mái vòm. Khối trước và sau chịu tác động vỡ kính. Giáp hai bên là lối đi liền kề của các hộ dân. Ngôi nhà sập theo phương thẳng đứng nên gạch đá tràn xuống làm bị thương một số người và tài sản. Theo nguồn tin từ hiện trường, tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo hiện do Tổng Công ty Đường sắt quản lý, trước đó tòa nhà này được cho một phòng khám tư nhân thuê”, ông Hoa cho hay.
|
Hiện trường vụ sập nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo. |
Nguyên nhân dẫn đến vụ sập nhà cổ trên đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, dư luận có nhiều ý kiến xung quanh vụ việc gây chấn động này. Nhiều ý kiến cho rằng, ngôi nhà cổ Trần Hưng Đạo được xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay đã trong diện xuống cấp. Trong khi đó, các cơ quan chức năng phụ trách các vấn đề liên quan đến ngôi nhà trên dường như không mấy quan tâm đến việc kiểm tra niên hạn để có phương án phù hợp dẫn đến hậu quả thương tâm. Bài toán bảo tồn nhà cổ đã được UBND TP Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay nhưng qua vụ việc này cho thấy, những giải pháp đưa ra chưa thực sự hiệu quả.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng nhận định, ngôi nhà cổ Trần Hưng Đạo trên thuộc loại nhà cần bảo tồn. Bảo tồn nhà cổ là phải chú trọng đến niêm đại của ngôi nhà.
“Mỗi ngôi nhà thường có niên hạn của nó. Cấp càng cao thì niêm hạn càng dài phụ thuộc vào vật liệu, kết cấu...Khi nói đến niêm hạn của ngôi nhà là nói đến kết cấu chịu lực. Khi nhà cổ đến niên hạn thì phải kiểm tra. Nếu quá niên hạn thì phải phá đi xây lại hoặc lên phương án gia cố nó. Khi hết niêm hạn mà không có phương án gì là không được vì khi đó nhà có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào”, TS Phạm Sỹ Liêm nhìn nhận.
“Cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra niên hạn. Việc kiểm tra niên hạn không có gì khó khăn bởi hồ sơ xây dựng từ thời Pháp thuộc đến nay vẫn được lưu trữ (hiện được lưu trữ trong Sở Xây dựng Hà Nội). Nhưng có một thực trạng, hiện nay chúng ta đang quản lý chết, nghĩa là không ai sờ đến hồ sơ lưu trữ của các căn nhà cổ, nên khó chú ý đến niên hạn. Khi kiểm tra hồ sơ lưu trữ, nhà đã quá niên hạn thì phải liệt vào nhà nguy hiểm, nhà đến niên hạn thì cần phải liệt vào nhà niên hạn hoặc nhà hết niên hạn để có phương pháp tháo dỡ hoặc bảo tồn”, TS Liêm nhận định.
|
TS Phạm Sỹ Liêm. |
Bên cạnh đó, theo TS Phạm Sỹ Liêm cũng nhìn nhận, chủ sở hữu ngôi nhà, hoặc cơ quan đơn vị quản lý các ngôi nhà cổ cũng cần phải có trách nhiệm.
“Khi ở hoặc làm việc trong ngôi nhà cổ, nếu thấy dấu hiệu xuống cấp nguy hiểm thì phải tự sửa chữa, tự tu bổ. Tuy nhiên cũng có nhiều công trình nhiều người sở hữu thì không ai đứng ra cả, không ai chịu trách nhiệm chính. Nếu không có khả năng sửa chữa thì phải báo cáo với chính quyền. Khi báo cáo rồi mà chính quyền không có trách nhiệm gì thì chính quyền phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra như hậu quả. Khi phát hiện nhà quá niên hạn, có dấu hiệu nguy hiểm, chủ sở hữu không có khả năng đi nơi khác thì chính quyền sẽ ra quyết định cưỡng chế”, TS Liêm đánh giá.
Tính đến thời điểm hiện nay, riêng Hà Nội có đến hàng trăm nhà cổ cần bảo tồn. Đó là những công trình có giá trị đặc biệt và công trình có giá trị. Những công trình này được chia làm 5 loại kiến trúc như kiến trúc Việt Nam truyền thống, kiến trúc phong cách Trung Hoa, kiến trúc phong cách Châu Âu, Mẫu nhà Địa Trung Hải thời kì 1900 – 1930, mẫu nhà Anpo thời kì 1900 -1930, mẫu nhà Art-Deco thời kì 1931 – 1945. Nếu mở rộng ra cả nước thì con số nhà cổ lên đến vài nghìn nhà, chỉ tính riêng Hội An (tỉnh Quảng Nam đã có khoảng 1000 nhà cổ, trong đó nhiều nhà cổ đã thuộc diện quá niên hạn. Việc sập ngôi nhà cổ Trần Hưng Đạo khiến không ít người cho rằng nên kiểm tra, rà soát đánh giá niên hạn của tất cả các ngôi nhà cổ để có phương án cho phù hợp tránh hậu quả đáng tiếc.
TS Phạm Sỹ Liêm nhận định, sẽ phải rà soát toàn bộ nhưng phải lần lượt làm việc ấy nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có hồ sơ.
Nhìn những đau thương mất mát từ vụ sập nhà cổ Trần Hưng Đạo, nhiều người phải thốt lên rằng “Nếu vắng bóng những ngôi nhà cổ sẽ là những mất mát lớn nhưng nếu để những ngôi nhà cổ mà thiếu sự quan tâm để gây ra những hậu quả đáng tiếc thì còn mất mát nhiều hơn thế”.