Đà Bắc được biết đến là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Địa hình đồi núi, diện tích đất canh tác ít khiến cho việc phát triển kinh tế của người dân nơi đây đã khó lại càng khó khăn hơn.
Việc trồng cây gì, nuôi con gì luôn là bài toán khó đặt ra cho chính quyền và người dân. Nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi dê đang đang được nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn huyện Đà Bắc. Đây cũng là hướng đi mới trong hành trình thoát nghèo của người dân huyện vùng cao này.
Trở lại Đà Bắc vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm về xã Giáp Đắt. Tận dụng nguồn thức ăn và bãi chăn thả sẵn có, người dân nơi đây đã chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê.
Cũng như nhiều hộ dân khác trong xã Giáp Đắt, trước đây, gia đình bà Vì Thị Nhắm ở xóm Bao chọn chăn nuôi bò là hướng đi để phát triển kinh tế, bởi bà có thể tận dụng được bãi chăn thả và nguồn thức ăn sẵn có ở trong rừng.
Mấy năm trở lại đây, giá bò giảm sâu khiến cuộc sống của gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Thấy nhiều hộ dân ở các xã khác chuyển sang nuôi dê với hiệu quả kinh tế cao, bà đã quyết định bán số bò của gia đình để chuyển sang nuôi dê.
Song với đó, gia đình bà Nhắm cũng được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư chuồng trại và mua dê. Đến nay, đàn dê của gia đình bà phát triển tốt và lên đến hàng chục con.
Theo bà Nhắm, nuôi dê rất nhàn và ít tốn công chăm sóc. Diện tích chuồng trại không cần quá lớn, nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên.
Mỗi con dê cái sinh sản nếu chọn được giống tốt và chăm sóc đầy đủ thì sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Dê con sau khi chăm sóc, đạt trọng lượng từ 20kg - 25kg là có thể xuất chuồng. Hiện nay gia đình đã có đàn dê trên 20 con.
" So với nuôi trâu, bò, lợn thì nuôi dê nhàn hơn mà giá bán ổn định dao động từ 100.000 đồng – 150.000 đồng/kg. Đầu ra thì không khó khăn vì thương lái vào mua tận nhà. Nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn", bà Nhắm bộc bạch.
Đến với xã Nánh Nghê – một trong những xã nghèo nhất của huyện Đà Bắc, người dân nơi đây cũng đang từng bước thoát nghèo nhờ nuôi dê.
Cũng giống như nhiều hộ dân khác trong xã, được Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh Bùi Văn Huế, xóm Mọc, xã Nánh Nghê đã mạnh dạn mua 4 con dê núi sinh sản ở địa phương về nuôi. Sau nhiều năm chăm sóc, từ 4 con dê ban đầu đã phát triển lên đến trên 30 con. Mỗi năm, đàn dê đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 25 – 30 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh Huế đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.
Theo anh Huế, để đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ dân nuôi dê luôn làm tốt công tác chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã. Mặt khác, bà con được cán bộ xã hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh vào mạng Internet để học hỏi thêm kỹ tiêm phòng vaccine, làm chuồng trại nuôi dê.
"Chuồng trại nuôi dê phải cao ráo, cách 1 mét so với mặt đất. Các tấm ván hoặc thanh gỗ làm sàn phải có khe hở vừa đủ để đảm bảo phân lọt xuống đất. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bởi nếu để lượng phân nhiều không dọn dẹp sẽ khiến đàn dê bị bệnh phổi, dẫn đến ho, ốm yếu và chết. Trời mưa, không được thả dê đi ăn, vì cỏ đọng đọng nước, sương rất dễ làm dê bị mắc các loại bệnh về đường ruột", anh Huế tiết lộ kỹ thuật nuôi dê.
Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đà Bắc cho biết, hiện tổng đàn dê trên địa bàn huyện có trên 8.000 con và đang tiếp tục được người dân nhân rộng. Với những điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê, nghề nuôi dê núi được đánh giá là hướng đi đúng, phù hợp và đem lại thu nhập khá cho người dân. Thay vì người dân chăn nuôi dê tự phát như trước thì giờ đây việc phát triển đàn dê đã được đưa vào chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm.
Thời gian tới, phòng NNPTNT huyện Đà Bắc sẽ phối hợp với ngành liên quan tổ chức mở lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn dê; hỗ trợ nguồn vốn để người dân đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng đàn. Đặc biệt, huyện Đà Bắc đã và đang hướng tới việc phát triển các mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị có tính bền vững.