Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, rà soát sơ bộ 1880 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp tại Hải Dương, có 127 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định.
Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng bệnh viện Công ty cổ phần DELTA và Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Nội - Hải Dương của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế Thành Đông.
Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế Thành Đông được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hà Nội - Hải Dương tại xã Hồng Đức (Ninh Giang) vào ngày 9/2/2021.
|
Vị trí dự án xây dựng Bệnh viện DELTA |
Dự án xây dựng Bệnh viện Quốc tế Hà Nội - Hải Dương là bệnh viện đa khoa tư nhân có quy mô 500 giường bệnh, tổng vốn đầu tư hơn 1.278 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại lô YT-2 trong Quy hoạch chung xây dựng hai bên đường trục Bắc Nam, tỉnh Hải Dương (đoạn tuyến phía Nam), thuộc địa bàn xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển y tế Thành Đông có trách nhiệm xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong 36 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (tháng 2/2021). Thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư chưa triển khai đầu tư xây dựng.
Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Quốc tế DELTA của Công ty cổ phần DELTA tại phường Việt Hòa, TP Hải Dương được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận từ tháng 9/2005. Đến tháng 12/2007, UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục chấp thuận bổ sung mục tiêu, quy mô xây dựng và gia hạn tiến độ dự án.
Theo đó, dự án sử dụng hơn 53.000 m2 đất với tổng mức đầu tư hơn 654 tỷ đồng, quy mô 200 giường bệnh. Các hạng mục xây dựng gồm 1 nhà 15 tầng trên diện tích 4.000 m2 làm khu hành chính, khu vực khám chữa bệnh, điều trị chuyên môn; 19 nhà 2 tầng, diện tích 200 m2/nhà và 2 nhà 3 tầng, diện tích 300 m2/nhà làm khu an dưỡng, phục hồi chức năng cao cấp, dưỡng lão, y tế từ thiện…;2 tòa nhà 15 tầng, diện tích xây dựng 3.000 m2/tòa là khu vực dịch vụ, giải trí, thương mại, thể thao và căn hộ cao cấp. Còn lại là các công trình phụ trợ, kỹ thuật như nhà tang lễ, khu xử lý chất thải, hồ sinh thái, khu để xe, hệ thống cây xanh…
Theo kế hoạch, đến hết tháng 12/2011, chủ đầu tư phải hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa triển khai đầu tư xây dựng. Khu đất thực hiện dự án hiện vẫn đang là khu đất trống, để hoang hóa.
Mới đây, Công ty cổ phần DELTA đã gửi hồ sơ tới Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hải Dương xin điều chỉnh đầu tư, gia hạn dự án. Doanh nghiệp này cam kết sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng trong vòng 36 tháng kể từ ngày được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ của Công ty CP DELDA và đang trong quá trình thẩm định. Dự án đã được UBND tỉnh Hải Dương tạo điều kiện điều chỉnh nhiều lần. Nếu lần này tiếp tục được chấp thuận, sở đề xuất UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ đầu tư.
127 dự án chậm tiến độ, triển khai không đảm bảo
Danh sách 127 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương mới công bố có 125 dự án đầu tư trong nước và 2 dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định ở tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh. TP Hải Dương có nhiều nhất với 32 dự án, tiếp đến là TP Chí Linh và huyện Gia Lộc mỗi nơi có 12 dự án, huyện Kim Thành có 11 dự án, huyện Ninh Giang có 9 dự án, các huyện Nam Sách, Tứ Kỳ, Bình Giang mỗi nơi có 8 dự án...
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương giao sở tham mưu, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, phân loại và đề xuất phương án xử lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các dự án còn vướng mắc về thủ tục đất đai, chưa được bàn giao đất, tham mưu cho UBND tỉnh phương án giải quyết để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Cục Thuế tỉnh Hải Dương rà soát, tổng hợp các dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các hộ dân để đề xuất phương án tháo gỡ; chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư theo thẩm quyền.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm