Dân bức xúc vì ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống
Thời gian gần đây, Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được nhiều phản ánh về mỏ đá núi Tran (xã Toàn Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình) vẫn hoạt động dù chưa hoàn thiện các thủ tục. Hơn nữa, sự việc này đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân quanh vùng.
Để làm rõ những phản ánh trên, PV đã tiếp cận mỏ đá để ghi nhận thực tế. Từ đường tỉnh 433 thuộc địa phận huyện Đà Bắc rẽ vào một con đường bê tông, đập ngay vào mắt PV là cả ngọn núi đang bị đào xới nham nhở. Dưới chân núi là bãi tập kết đá thành phẩm. Khu vực mỏ đá này đã có cả máy xúc, máy nghiền, hệ thống băng chuyền, nhà ở công nhân... người dân địa phương cho biết đó là mỏ đá núi Tran.
Khu vực mỏ, không thấy lắp đặt camera và cân theo quy định của Luật Khoáng sản. Phía ngoài, có ngôi nhà được cho là Nhà điều hành mỏ đá có tấm biển ghi: Điểm khai thác đá của công ty TNHH MTV Tiến Minh.
|
Khu vực mỏ đá núi Tran đang nhận được nhiều phản ánh của người dân quanh vùng "tố" gây ảnh hưởng tới cuộc sống. |
Anh Nguyễn Văn Minh (nhà ngay cạnh khu vực mỏ đá) bức xúc: “Mỏ đá này trước thường xuyên nổ mìn, bụi bay mù mịt, bắn cả vào nhà. Các xe tải hạng nặng vận chuyển đất đá khiến cho con đường dân sinh đoạn qua nhà tôi bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Thỉnh thoảng họ có cho máy ra cào lấp những ổ voi, nhưng cứ mưa xuống lại càng thêm lở loét, ngày nắng thì bụi tung mù mịt”.
Theo anh Minh, đã từng có những người lạ mặt xưng là đại diện cho đơn vị khai thác vào thỏa thuận để mua lại ngôi nhà mà gia đình anh cùng bố mẹ đang sinh sống. Tuy nhiên, 2 bên chưa đi đến thống nhất được phương án. Cũng kể từ đó, phía mỏ đá “mặc kệ”, liên tiếp có những hoạt động nổ mìn, bất chấp sự phản đối của người dân. Hơn nữa, việc nổ mìn khi không đảm bảo an toàn còn khiến đá bắn nhà anh Minh nhiều chỗ nứt vỡ.
Còn bà Nguyễn Thị Báu (nhà dưới chân núi Tran) lắc đầu ngán ngẩm: “Chúng tôi kêu nhiều nhưng có ăn thua gì đâu?...”.
|
Anh Minh và bà Báu bức xúc phản ánh câu chuyện mỏ đá núi Tran. |
Bà Báu cho biết, hoạt động nổ mìn phá đá luôn khiến bà cùng người thân cảm thấy bất an, thỉnh thoảng đá bắn rào rào, bắn cả vào nhà. Bà đã rất nhiều lần có ý kiến với mỏ đá nhưng đến giờ vẫn không có biến chuyển, đành chấp nhận “sống chung với lũ”.
Để minh chứng cho câu chuyện, nhiều người dân cung cấp 1 loạt video, hình ảnh ghi lại cảnh nổ mìn phá đá trên núi Tran, cảnh xe tải chở đầy đất đá rầm rập chạy qua con đường bê tông dẫn ra tỉnh lộ 433.
Video nổ mìn tại mỏ đá núi Tran:
Mỏ đá thừa nhận chưa đủ điều kiện hoạt động
Trong một lần nhập vai là người có nhu cầu mua đá, PV tiếp cận với người đàn ông tên T. (tự xưng là quản lý tại mỏ đá), trao đổi ngay tại căn nhà được đặt tấm biển: Điểm khai thác đá của công ty TNHH MTV Tiến Minh, ông T. cho biết, mỏ đá này chưa được phép hoạt động dù đã có giấy phép. Ông lý giải hoạt động nổ mìn chỉ là để bóc lớp đất phong hóa trước khi tiến hành khai thác, còn bản thân mỏ thì đang tiến hành hoàn thiện những bước xây dựng cơ bản.
Ông T. cho biết thêm, chủ của công ty Tiến Minh tên là Tuân. PV có điện thoại liên hệ làm việc, nhưng không thấy nghe máy.
|
Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho Công ty Hoàng Sơn. |
Theo tài liệu thu thập được, mỏ đá này được cấp phép cho Công ty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn (Công ty Hoàng Sơn) tại giấy phép số 01/GP-UBND vào ngày 3/1/2018. UBND tỉnh Hòa Bình đã cấp phép cho công ty Hoàng Sơn được khai thác và chế biến khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại mỏ đá núi Tran ở xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc.
Giấy phép trên cũng yêu cầu công ty Hoàng Sơn trước khi tiến hành khai thác phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định, báo cáo sở Tài nguyên & Môi trường, các cơ quan chức năng kiểm tra tại thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác và mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác, phải thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật.
Trước thắc mắc tại sao mỏ đá núi Tran lại gắn biển công ty TNHH MTV Tiến Minh, ông Đặng Thái Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Toàn Sơn xác nhận, Tiến Minh là đơn vị được ủy quyền nổ mìn phá đá, còn Công ty Hoàng Sơn mới là đơn vị khai thác.
|
Những hoạt động nổ mìn, bốc dỡ đá và chở ra ngoài khu vưc mỏ được ghi nhận. |
Cuối tháng 8/2022, PV Báo Tri thức và Cuộc sống làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hòa Bình, ông Phạm Hữu Huy - Phó trưởng phòng Khoáng sản khẳng định, mỏ đá núi Tran chưa đủ điều kiện vận hành khai thác do đang phải thực hiện đầy đủ thủ tục về đất đai, môi trường. Công ty chỉ được phép đưa dự án vào hoạt động sau khi được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Lý giải về hiện trạng hiện nay của mỏ đá, nhất là việc đống đá khổng lồ bên cạnh mỏ, ông Huy cho rằng đó là sản phẩm thu gom từ đá phế thải do quá trình nổ mìn trước đây lưu lại.
Chính quyền "né" báo chí?
Nhiều lần PV liên hệ với ông Vũ Tiến Tấn - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đà Bắc (Hòa Bình) nhưng ông vẫn “né” làm việc trực tiếp, dù PV đã đặt lịch làm việc từ hồi tháng 8/2022. Liên tiếp trong 2 ngày 7 và 8/11/2022, có mặt tại thị trấn Đà Bắc, PV lại tiếp tục chứng kiến những chuyến xe nhộn nhịp vào bốc hàng tại mỏ đá.
PV liên lạc với ông Đinh Thiện Trí - Chánh văn phòng UBND huyện Đà Bắc để phản ánh, ông Trí hứa sẽ cho kiểm tra, sau đó phản hồi lại muốn PV vào gặp chủ mỏ. PV từ chối và mong làm việc trực tiếp với những cơ quan quản lý Nhà nước huyện Đà Bắc, để cung cấp bằng chứng và tìm hiểu trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên, sau đó tất cả lại rơi vào im lặng.
PV tiếp tục gọi điện cho ông Đào Anh Thép - Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình hỏi việc mỏ đá núi Tran đã hoàn thành mọi thủ tục để đi vào hoạt động chính thức hay chưa? Ông Thép trả lời mỏ đá này vẫn chưa đủ điều kiện. Tháng trước tỉnh Hòa Bình có lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, thì không thấy mỏ đá hoạt động.
Khi chúng tôi khẳng định mình đang trực tiếp tại hiện trường và chứng kiến việc khai thác lén lút của mỏ đá núi Tran. Vị trưởng phòng phản hồi lại rằng sẽ ghi nhận và cho kiểm tra lại.
Một điều lạ là, sau những cuộc điện thoại của PV Báo Tri thức và Cuộc sống đối với các cơ quan Nhà nước đó. Thì mỏ đá núi Tran tự dưng bỗng yên ắng lạ thường. Suốt cả ngày 8/11/2022 đó, cũng chưa thấy mỏ đá bị kiểm tra.
Bày tỏ quan điểm về sự việc, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Nam (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nói: “Nếu chứng minh được việc hoạt động chui này, đồng nghĩa với việc những hoạt động tại mỏ đá núi Tran có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về Luật khoáng sản. Bên cạnh đó, cũng gây thất thu tiền thuế của Nhà nước. Các cơ quan cần vào cuộc kiểm tra và có câu trả lời chính thức trước công luận, cũng như để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ”.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.