Nông dân trồng đào ở Đà Bắc tất bật "xuống lá" chuẩn bị cho Tết
Càng gần đến tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các vườn đào trên địa bàn huyện vùng cao Đà Bắc càng trở lên nhộn nhịp. Thời điểm này, các hộ trồng đào đang tất bật chuẩn bị cho vụ đào tết với mong muốn có được những cây đào dáng đẹp, nụ nhiều, hoa nở đúng độ, phục vụ người dân mua về chơi tết.
Ghi nhận của phóng viên tại xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, nhiều hộ dân trồng đào đang gấp rút với những công đoạn, quy trình chăm sóc cuối cùng cho cây đào, làm sao để có được cây và cành đào ra hoa đẹp nhất chuẩn bị cho ngày Tết đang cận kề.
Tại vườn đào Thanh Tú (ở xã Toàn Sơn), nhiều nhân công đang tất bật tuốt lá, tỉa cành cho những cây đào một cách tỉ mỉ, chau chuốt để mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, đưa ra thị trường những sản phẩm đa dạng về thế cây, loài hoa cũng như phân khúc giá.
Theo anh Trần Thiên Tú (chủ vườn đào Thanh Tú), để có một cây đào đẹp thì việc chăm sóc rất quan trọng. Việc chăm cây, tuốt lá là một trong những khâu có tính chất quyết định nhất để đào ra hoa đúng thời điểm. Sau khi tuốt lá, cần thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp sao cho cây đào có nhiều nụ, nụ to, sắc thắm, bung nở. Người trồng đào không phải chỉ tác động vào giai đoạn cuối mà phải tác động trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển của cây.
"Điều kiện lý tưởng nhất cho cây đào phát triển ra hoa đúng thời điểm năm mới là khoảng 20ºC. Việc tỉa lá cho cây đào năm nay diễn ra trước vụ khoảng 60 ngày, công đoạn này đòi hỏi sự cẩn thận, kiên nhẫn cao. Tuốt hết lá thì dinh dưỡng của cây tập trung vào búp nên đào sẽ nở hoa đúng thời điểm", anh Tú cho hay.
Anh Tú cho biết, những gốc đào cổ thụ của gia đình hiện đã bắt đầu có người tìm đến thuê, mua. Năm nay, giá cả cao hơn khoảng 20% so với năm ngoái. Có những gốc đào lớn có giá từ 20 - 30 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, thu nhập từ việc bán, cho thuê đào chơi Tết rơi vào khoảng 200 triệu đồng.
Nghề trồng đào Tết giúp người dân vùng cao Đà Bắc nâng cao thu nhập
Tương tự, vườn đào của gia đình anh Nguyễn Hữu Đức ở xã Toàn Sơn hiện nay có hơn 200 gốc đào phục vụ dịp Tết. Để kịp tiến độ xuống lá cho cây đào, thời gian này gia đình anh phải dốc toàn lực ra vườn tuốt lá cho cây đào.
Anh Đức chia sẻ: "Thời tiết năm nay khá thất thường, việc tuốt lá vào lúc này tôi thấy hơi lo lắng vì sẽ khiến hoa ra sớm. Đợt này thời tiết đã bắt đầu lạnh, hy vọng từ giờ đến Tết sẽ lạnh như hiện tại để đào không bị ra hoa trước".
"Tết Nguyên đán năm nay, nếu thuận lợi, nhu cầu mua sắm, chơi hoa của người dân cao thì dự kiến gia đình tôi có thể thu về hơn 100 triệu đồng", anh Đức cho hay.
Bà Đinh Thị Cúc, Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn, cho biết: "Thời điểm này, người dân trên địa bàn xã đã bắt đầu cắt tỉa lá, chăm sóc đào để chuẩn bị phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Nếu người dân nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm sóc thì cây đào sẽ đem lại nguồn thu nhập cao sơn so với các mô hình nông nghiệp khác như trồng lúa, hoa màu".
"Nghề trồng đào Tết đang giúp người dân vùng cao chúng tôi nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ việc bán và cho thuê đào Tết, nhiều hộ trồng đào trên địa bàn xã đã thu về hàng trăm triệu mỗi năm", Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn cho hay.
Ông Bùi Khắc Vinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc thông tin, huyện Đà Bắc có diện tích trồng đào lớn ở tỉnh Hòa Bình nhờ địa hình cao và khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Điều kiện khí hậu năm nay tương đối thuận lợi cho sự phát triển của cây đào. Mong muốn lớn nhất của người dân trồng đào trên địa bàn huyện là từ nay đến Tết Nguyên đán, hoa đào nở đúng dịp, vụ đào thành công, từ đó, bù đắp được công sức chăm sóc của người trồng đào suốt cả năm.
Đặc biệt, mong thị trường đào Tết năm nay sẽ sôi động, nhu cầu mua sắm, chơi hoa của khách hàng lớn hơn năm trước. Qua đó, giúp nhiều người dân trong huyện có thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.