Trồng một lần thu trái suốt 50-60 năm
Không chỉ phát triển tốt, cho năng suất cao ở các tỉnh Tây Bắc, những ngày cuối tháng 6 đầu tháng 7 này, tại xã Liên Sơn (Sơn Tây, Quảng Ngãi), mắc ca được trồng thành những hàng dài tít tắp, phủ xanh vùng đồi núi nơi đây.
Dẫn chúng tôi ra thăm đồi mắc ca sắp cho thu hoạch quả, lão nông người dân tộc Cadong Nguyễn Lên khoe, toàn bộ 1.500 ha mắc ca năm nay đều ra hoa, đậu trái. Tháng 7 này, vườn của ông bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, sản lượng ước khoảng 1 tấn. Doanh nghiệp chế biến đã đặt mua trước với giá 95.000 đồng/kg.
Ông kể, người dân tộc Cadong quê ông chịu thương chịu khó nhưng vẫn mãi nghèo. Cây trồng truyền thống ở nơi đây là keo và sắn. Bà con chăm sóc vất vả quanh năm ngày tháng, đổi lại thu nhập tương đối thấp. Ví như trồng keo 5-6 năm chỉ thu về 60-70 triệu đồng/ha. Còn sắn phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường, năm ngoái giá bán chỉ 2.000 đồng/kg.
“Trông cây mắc ca thì ‘ngon’ hơn nhiều”, ông Lên nói. Theo ông, thứ nhất là là bởi cây trồng một lần nhưng cho thu hoạch quả liên tục trong 50-60 năm, chăm sóc tương đối nhàn chứ không vất vả như trồng sắn.
Thứ hai, được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng. Khi trồng 1.500 cây mắc ca trên vùng đồi theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, tiền cây giống, chi phí vận chuyển cho tới thuê nhân công của ông đều được LienVietPostBank chi nhánh Quảng Ngãi chi trả theo gói vay. Ngoài ra, họ còn kết nối mua bảo hiểm trong 10 năm.
“Năm 2019, bão làm vườn mắc ca gãy đổ hơn 100 cây, tôi được bảo hiểm hỗ trợ trên 300 triệu đồng”, ông Lên cho hay.
Lão nông Nguyễn Lên khẳng định, người trồng mắc ca không cần lo vốn. Ngân hàng thẩm định và giải ngân từng giai đoạn, theo quy trình phát triển và chăm sóc cây. Với gia đình ông, ngân hàng thẩm định cho vay 650 triệu, nhưng thực tế ông chỉ cần vay 390 triệu đồng.
"Lấy ngắn nuôi dài" là kinh nghiệm để ông không phải vay vốn ngân hàng nhiều. Ông tiết lộ, hai năm đầu tiên khi cây mắc ca còn nhỏ, ông vẫn trồng sắn thu được hơn 100 triệu đồng. Số tiền này ông đem đầu tư chăm sóc mắc ca. Năm thứ ba, ông chuyển sang trồng nghệ, thu nhập tăng lên 140 triệu. Đến năm thứ tư mắc ca bói quả, ông lại chuyển sang nuôi bò thịt để tận dùng nguồn phân bò bón cho vườn mắc ca.
“Năm nay tôi được bán quả với giá 95.000 đồng/kg. Tôi tin đây là cây trồng sẽ giúp gia đình tôi và người Cadong thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu”, ông nói.
Khách Dubai cam kết bao tiêu toàn bộ mắc ca
Ông Huỳnh Ngọc Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam - nhận định, mắc ca là cây lâu năm nên có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp người dân an cư. Đây cũng là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tại các vùng mắc ca, cây trồng đến năm thứ 8 sau khi trừ hết chi phí sẽ cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/ha.
Theo ông Huy, đây cây trồng tiềm năng, hạt của chúng có giá trị rất cao, có thể làm dầu ăn, hạt dinh dưỡng, sữa hạt, mỹ phẩm,... Trên thế giới, hạt mắc ca chỉ chiếm khoảng 2% trong ngành hàng quả khô. Do vậy, mắc ca luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.
Năm nay, phía hiệp hội tập trung mở rộng diện tích ở miền Trung. Mục tiêu vận động người dân chuyển đổi trồng cây mắc ca để có thu nhập cao hơn. Song sẽ chuyển đổi dần dần “lấy ngắn nuôi dài”, chứ không làm ồ ạt.
“Chỉ cần chuyển đổi 15-20% diện tích trồng keo sang trồng mắc ca thì nông dân giàu có rồi”, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ vấn đề đầu ra cho hạt mắc ca, ông Huy cho biết, tháng 5 vừa qua, ông cùng đại diện LienVietPostBank và Hiệp hội mắc ca Việt Nam làm việc với Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lootah và ký kết thỏa thuận ghi nhớ thành lập công ty liên doanh để bao tiêu, xuất khẩu mắc ca sang thị trường Trung Đông.
Cuối tháng 6, phía tập đoàn đã sang Việt Nam làm việc và bước đầu khảo sát vùng mắc ca Tây Bắc. Các bên thống nhất sau 2025 sẽ xây dựng nhà máy chế biến mắc ca xuất khẩu vì thời điểm hiện tại sản lượng vẫn chưa nhiều, nếu xây dựng nhà máy ngay sẽ không đủ nguyên liệu sản xuất chế biến.
Tập đoàn này cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm mắc ca của Việt Nam tại thị trường Trung Đông. Theo ông Huy, khi liên kết với tập đoàn lớn ở Dubai, người trồng mắc ca hoàn toàn yên tâm, không lo về đầu ra.
Ở nước ta, sản lượng hạt mắc ca cả nước mới dừng ở con số khoảng 8.500 tấn. Đa phần chỉ có các xí nghiệp nhỏ chế biến và tiêu thụ mắc ca. Sản phẩm làm ra cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản,... nhưng chưa nhiều vì không đủ nguồn cung, làm xuất khẩu chỉ để giữ mối khách hàng.
Cây mắc ca có lợi thế phát triển trên Tây NguyênCác tỉnh Tây Nguyên phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, tập trung quy mô lớn giá trị hàng hóa lớn.