Ngày 1/8, CDC Hà Nội công bố 21 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều là nhân viên giao hàng của Cty TP Thanh Nga (địa chỉ ngõ 651 Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ngay lập tức Cty này phải tạm dừng hoạt động, kéo theo loạt khó khăn cho doanh nghiệp. Một trong những DN ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Masan.
Khó sản xuất
|
Masan đang gặp khó khăn trong mùa dịch COVID-19. |
Masan vừa trải qua chuỗi ngày khó khăn do đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp cần thời gian để thay đổi, hồi phục và phát triển bền vững trong tương lai. Hiện, Masan có hơn 30 nhà máy sản xuất sản phẩm hàng tiêu dùng trên cả nước. Trong đó, đặc biệt tập trung ở các tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang… Đây là những tỉnh diễn biến dịch đang căng thằng. Nhiều nhà máy đang áp dụng phương án sản xuất ở mức độ chống dịch cao nhất, cấp độ 4.
Masan chia sẻ, nhà máy có quy mô càng lớn, số lượng công nhân càng lớn đồng nghĩa với áp lực lên doanh nghiệp để triển khai chủ trương "3 tại chỗ". Doanh nghiệp phải gồng mình co kéo mọi nguồn lực để đáp ứng điều kiện ăn ở cho CBNV, đảm bảo an toàn sản xuất trong mùa dịch. Ngoài ra, để tiếp tục vận hành nhà máy, các chi phí cũng tăng lên như chi phí xét nghiệm 3 ngày/lần, mua sắm trang thiết bị lưu trú, tổ chức các bữa ăn cho người lao động, sát trùng, khử khuẩn nhà máy… Cùng với đó là nguy cơ hiện hữu thiếu hụt lao động, do nhiều lao động nữ xin nghỉ việc vì không thể áp dụng "3 tại chỗ" khi gia đình có con nhỏ cần chăm sóc.
Không chỉ khó khăn ở khâu sản xuất, là doanh nghiệp sở hữu chuỗi hệ thống bán lẻ lớn nhất cả nước, Masan còn phải đối mặt với những khó khăn của ngành này. Lưu thông vận chuyển hàng hóa, di chuyển giữa các vùng dịch. Tỉ lệ nghỉ việc luân phiên lên tới 100% do người lao động lo lắng làm việc trong môi trường nguy cơ cao. Nhân sự thiếu hụt do nhiều trường hợp phải đi cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Các chi phí y tế tăng như sát khử khuẩn, xét nghiệm, công cụ lao động đặc thù mùa dịch...
Khổ kinh doanh
|
Hàng loạt cửa hàng, siêu thị của Vinmart bị ảnh hưởng do liên quan đến F0 của Cty Thanh Nga. |
Một trong những chiến lược quan trọng nhất của Masan trong đại dịch COVID-19 là tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ khi VinCommerce đạt lợi nhuận khi vừa đi vào hoạt động. Tuy nhiên, mới đây nhất, 37 cửa hàng, siêu thị của Vinmart đã bị ảnh hưởng nặng nề do liên quan đến các F0 của Cty TP Thanh Nga.
Theo VinCommerce các cửa hàng, siêu thị sẽ chỉ được mở cửa trở lại khi đảm bảo không gian mua sắm an toàn và được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Trong thời gian các siêu thị, cửa hàng nêu trên tạm dừng hoạt động, các siêu thị và cửa hàng còn lại tại Hà Nội sẽ tăng công suất phục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành Vinmart miền Bắc cho biết, đã đóng cửa, phun khử khuẩn toàn bộ các cửa hàng liên quan đến F0 của Thanh Nga. Ngoài việc truy vết, các cửa hàng Vinmart cũng thay thế nhân viên để đảm bảo an toàn cho khách hàng.
“Trong thời gina các siêu thị, cửa hàng liên quan F0 tạm dừng, các siêu thị còn lại sẽ được tăng công suất phục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân”, ông Tiến Hà nói về giải pháp trước mắt.