Trong thị trường lao động, phi công được đánh giá là một trong những nghề có thu nhập cao vượt trội. Mức thu nhập của phi công cũng tăng với tốc độ siêu nhanh, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ với các phi công Việt. Trong năm nay, ngành hàng không đã chứng kiến nhiều “cuộc đại chiến” lương giữa phi công và các hãng hàng không.
Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) là anh cả ngành hàng không Việt Nam. Suốt chiều dài lịch sử của mình, Vietnam Airlines luôn là điểm đến mơ ước của nhiều tầng lớp lao động, từ nhân viên thông thường cho tới nghề “hot” hơn như tiếp viên hàng không và phi công.
|
Trong 5 năm qua, mức thu nhập của phi công đã tăng vượt bậc. Ảnh: minh họa. |
Trong 5 năm qua, mức thu nhập của phi công đã tăng vượt bậc. Theo báo cáo thường niên năm 2017 của Vietnam Airlines, trong năm qua, thu nhập từ lương và thưởng của phi công đã tăng 5%. Ngoài ra, họ còn được các chế độ đãi ngộ như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, miễn giảm cước vé, các chế độ thưởng...
Với mức tăng này, thu nhập bình quân của các phi công của Vietnam Airlines đạt khoảng 121 triệu đồng/tháng (1,45 tỷ đồng/năm). Còn đối với cơ trưởng thì mức lương 110 - 150 triệu đồng/tháng (1,32 tỷ – 1,8 tỷ đồng/năm).
So với năm 2016, thu nhập của phi công Vietnam Airlines tăng không đáng kể. Nhưng nếu tính trong giai đoạn 5 năm, con số này là khá cao. Cụ thể, so với năm 2013, thu nhập của phi công hãng này tăng 46,2 triệu đồng/người/tháng, tương đương 62%.
Trước đây, Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) không công bố mức lương cụ thể, nhưng bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet) có lần tiết lộ, với các phi công tập sự, mới ra trường thì mức lương vào khoảng 2.000 - 3.000 USD/tháng (45 – 65 triệu đồng/tháng). Với phi công có kinh nghiệm thì mức lương có thể lên tới khoảng 7.000 - 8.000 USD/tháng (145 triệu - 170 triệu đồng/tháng).
|
Với phi công, những con số “khủng” như vậy chưa hẳn đã xứng đáng với công sức của họ bỏ ra, vì phi công là ngành rất đặc thù, môi trường làm việc nhiều nguy hiểm. |
Năm 2017, lương phi công là 180 triệu đồng/người. Trong đó, mức lương cơ phó của Vietjet đang dao động trong khoảng 120 - 140 triệu đồng/tháng; còn cơ trưởng 180 - 240 triệu đồng/tháng.
Thông tin về lương của Jetstar Pacific Airlines khá ít ỏi. Chỉ biết, trong năm 2017, tìm hiểu của VnExpress cho thấy, lương cơ phó của hãng này đang ở mức 100 -120 triệu đồng/tháng; cơ trưởng là khoảng 110 - 160 triệu đồng/tháng (tùy vào giờ bay và thâm niên).
Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là ước mơ của hầu hết người lao động trong các ngành nghề trên thị trường lao động. Nhưng với phi công, những con số “khủng” như vậy chưa hẳn đã xứng đáng với công sức của họ bỏ ra. Bởi phi công là ngành rất đặc thù, môi trường làm việc nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo, học nghề của họ là con số khổng lồ.
Đầu tháng 6/2018, Vietnam Airlines đã công bố tăng lương đối với phi công. Mức lương của hãng bay này được phân chia thành 3 nhóm với mức tối đa của cơ trưởng lái máy bay B787 là 246 triệu đồng/tháng, tăng 23 triệu đồng so với trước đây.
Một gương mặt mới trong ngành hàng không dù chưa bay cũng gây xôn xao dư luận khi tham gia vào “đại chiến lương”, đó là Bamboo Airways, công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Cách đây không lâu, Bamboo Airways rầm rộ đăng tuyển nhân sự. Một trong những thông tin được chú ý chính là mức lương mà tân binh ngành hàng không này dành cho phi công.
Mức lương trung bình đối với phi công của hãng hàng không này sẽ cao hơn lương bình quân khu vực từ 12% đến 15%. Ngoài ra, phi công còn được nhận thêm chế độ riêng, như: Được sử dụng các gói nghỉ dưỡng miễn phí tại các quần thể resort và sân golf của Tập đoàn FLC...