|
Phi công của VNA vừa được tăng lương sau khi nhiều người có bức xúc về chênh lệch thu nhập - Ảnh: B.MY |
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Dương Trí Thành, tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA), cho biết từ 1-6-2018 hãng đã bắt đầu áp dụng các chế độ mới cho toàn tổng công ty. Trong đó, phần tăng cao nhất dành cho phi công.
Nhiều phi công đã có thư gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng lương mà họ nhận được thấp hơn rất nhiều so với các hãng khác trong nước, chỉ bằng 60-70% phi công nước ngoài trong cùng đoàn bay. Bên cạnh đó, phi công ngoại làm 6 tuần được nghỉ 2 tuần, trong khi phi công nội làm 9 tuần chỉ được nghỉ 1 tuần.
VNA vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT, trong đó cho biết từ 2015-2017 hãng có tới 223 phi công nghỉ việc. Năm tháng đầu năm 2018 đã có 33 phi công nghỉ việc. Lý do, VNA cho rằng chủ yếu vì các hãng hàng không Trung Quốc tăng lương, hút người...
Trước kiến nghị của phi công, ông Dương Trí Thành từng chủ trì cuộc đối thoại với phi công tại TP.HCM vào cuối tháng 5-2018 và công bố hiện lương phi công VNA cao nhất là 250-300 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, một cơ phó lái Airbus 321 của VNA khẳng định lương trung bình của cơ phó ở VNA chỉ từ 50-60 triệu đồng/tháng, cơ trưởng từ 100 - 120 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ GTVT, VNA cho hay thu nhập phi công do hãng tính là thu nhập trước thuế và tính bình quân, gồm cả lương tháng 13, thưởng lễ, tết... VNA công bố mức lương cao nhất cho phi công của mình chính xác là từ 256-297 triệu đồng/tháng.
Theo ông Dương Trí Thành, lương của 1.138 phi công hiện tại (có 285 phi công nước ngoài) của VNA đang chiếm gần một nửa quỹ lương toàn tổng công ty (khoảng 6.700 người) và VNA đang cố gắng điều chỉnh chế độ làm việc theo hướng tốt hơn. Trước đây phi công người Việt của hãng làm 11 tuần được nghỉ 1 tuần, từ năm 2016 đã điều chỉnh làm 9 tuần nghỉ 1 tuần.
Trả lời Tuổi Trẻ vì sao cùng chủng loại máy bay lại có sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa phi công ngoại và nội, một lãnh đạo VNA cho biết khi thuê phi công nước ngoài phải thông qua các nhà cung ứng quốc tế, nên phải theo chế độ của thị trường lao động thế giới.
Tuy nhiên, đại tá - phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng VNA cần sòng phẳng, làm rõ hơn chênh lệch thu nhập giữa phi công ngoại và nội. "VNA nên tăng đối thoại, tìm tiếng nói chung trong đãi ngộ và mức lương cho phù hợp" - ông Trung nói.