Theo thông tin doanh nghiệp công bố định kỳ trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết đại chúng công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong kỳ kế toán từ 1/1 - 31/12/2022. Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu âm trong khi nợ phải trả hàng nghìn tỷ đồng.
Vốn âm hàng trăm tỷ
Đơn cử, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Định ghi nhận lỗ sau thuế năm 2022 đạt 1.120 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm 620 tỷ đồng, so với 506 tỷ đồng năm trước đó. Nợ phải trả của công ty là 2.492 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2022 cho biết, công ty đã tiến hành mua lại toàn bộ lô trái phiếu 200 tỷ đồng phát hành ngày 6/5/2020 và mua lại 35 tỷ đồng trong lô 150 tỷ đồng phát hành ngày 22/9/2020 vào tháng 12.
Mặt khác, trong năm 2022, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bình Định đã bỏ lỡ nhiều đợt thanh toán lãi cho hai lô trái phiếu nói trên với lý do “ảnh hưởng của dịch bệnh Covid làm sụt giảm doanh thu”.
Tương tự, tại ngày 31/12/2022, Công ty CP Nghiên cứu và sản xuất Vinsmart ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 455 tỷ đồng, trong khi đó, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2022 là 7.402 tỷ đồng. Tuy vậy, nợ phải trả đã giảm 1.684 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ trái phiếu là 814 tỷ đồng, giảm hơn 2.100 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu từ mức âm 4,89 kỳ đầu năm xuống mức âm 1,79 tại thời điểm cuối năm 2022. Công ty lỗ sau thuế 1.079 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 4.953 tỷ đồng năm 2021.
Trong khi đó, 2 doanh nghiệp khác là Công ty CP Signo Land, Công ty CP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng cũng ghi nhận vốn chủ sở hữu âm lần lượt là 138 tỷ đồng và 95 tỷ đồng; nợ phải trả là 1.066 tỷ đồng và 1.169 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ trái phiếu chiếm đến gần như 100% tổng nợ của Signo Land và con số này ở Hồng Hoàng là 93%.
Đáng chú ý, tuy không âm vốn, nhưng nợ phải trả của Revital Việt Nam và Hoàng Trường gấp cả trăm lần vốn chủ sở hữu. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Revital Việt Nam ghi nhận lỗ sau thuế hơn 193 tỷ đồng trong năm 2022, nặng hơn mức lỗ 156 tỷ đồng của năm 2021. Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu công ty chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, chỉ bằng 4,6% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả tăng 12%, lên 1.838 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 195 lần. Dư nợ trái phiếu của Revital Việt Nam chiếm 1.155 tỷ đồng, gấp 123 lần vốn chủ sở hữu. Đáng nói, thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện tại, công ty đang làm thủ tục giải thể.
Cùng đó, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản du lịch Hoàng Trường ghi nhận lỗ sau thuế hơn 267 tỷ đồng trong năm 2022. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp tại ngày 31/12/2022 đạt gần 34 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 99 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 119 lần, tương ứng với giá trị nợ phải trả là 4.018 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu của Hoàng Trường là hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 41 lần vốn chủ sở hữu.
|
Công ty CP Thủy sản số 4 ghi nhận khoản lỗ khủng hơn 565 tỷ đồng và trở thành "quán quân thua lỗ" trên sàn chứng khoán trong quý I/2023. |
Ngoài ra, tình hình tài chính năm 2022 của Công ty CP Dịch vụ - Thương mại TPHCM (Setra Corp) cũng không mấy sáng sủa. Cụ thể, công ty ghi nhận mức lỗ 478,5 tỷ đồng, trong khi năm 2021, cũng báo lỗ 460,7 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước còn 629,3 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2022, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Setra Corp tăng gần gấp đôi so với năm 2021 từ 6,27 lần lên 11,79 lần, tương đương với mức nợ hơn 7.419 tỷ đồng; hệ số dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 5,14 lần lên 9,10 lần, tương đương với nợ trái phiếu là hơn 5.700 tỷ đồng. Trước đó, Setra Corp đã ra thông báo chậm thanh toán lãi gói 20 mã trái phiếu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20.
Thủy sản số 4 lỗ đậm nhất sàn chứng khoán
Công ty CP Thuỷ sản số 4 (mã: TS4) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với khoản lỗ khủng 565 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý I/2023, doanh thu của TS4 đạt gần 54 tỷ đồng, gấp gần 11 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty lại kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp hơn 563 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí phát sinh, TS4 lỗ sau thuế hơn 565 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lỗ 137 triệu đồng), và trở thành "quán quân thua lỗ" trên sàn chứng khoán trong quý đầu tiên của năm 2023. Đây cũng là quý bị lỗ thứ 10 liên tiếp của công ty kể từ quý IV/2020 và cũng là quý bị lỗ nặng nhất kể từ khi niêm yết năm 2002. Qua đó, nâng lỗ lũy kế đến cuối quý I/2023 của TS4 lên hơn 770 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 500 tỷ đồng.
TS4 là một trong những đơn vị có thâm niên trong ngành thuỷ sản, chế biến cá tra. Công ty có tiền thân từ 2 nhà máy thủy hải sản của tư nhân là nhà máy thủy hải sản Thái Bình và nhà máy thủy hải sản Tân Nam Hải. Năm 1979, Bộ Hải sản ra quyết định hợp nhất 2 Xí nghiệp Chế biến hải sản số 8 và 9 thành Xí nghiệp Hải sản Đông lạnh 4. Đến năm 2001, Công ty CP Thuỷ sản số 4 chính thức ra đời.
Trong kỳ, hàng tồn kho công ty bất ngờ giảm mạnh, từ 679 tỷ còn 73 tỷ đồng. Các khoản vay ngân hàng của TS4 đến nay hầu hết đã quá hạn. Những năm qua, nhiều khoản nợ quá hạn đã được các ngân hàng chuyển sang theo dõi tài khoản nhận gán nợ và xử lý các tài sản thế chấp cho khoản vay.
Tại thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của TS4 là hơn 306 tỷ đồng, giảm 66% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt chỉ hơn 620 triệu đồng. Đến cuối quý I/2023, nợ phải trả của TS4 lên tới gần 818 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay của TS4 vào mức 491 tỷ đồng, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, các chủ nợ lâu năm của TS4 có Việt Á, HD Bank, Vietcombank chi nhánh TPHCM, BIDV chi nhánh Sài Gòn. Riêng khoản vay trị giá 297 tỷ đồng tại BIDV và 161 tỷ đồng (cả VND lẫn USD) tại Việt Á là có tài sản đảm bảo. Hai khoản vay còn lại 17 tỷ đồng tại Vietcombank và gần 8 tỷ đồng tại HD Bank không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, TS4 còn nợ hơn 540 tỷ đồng với hơn 9 cá nhân. Trong đó, công ty đang nợ một cổ đông lớn là ông Nguyễn Văn Lực gần 7 tỷ đồng. Hiện, ông Lực đang sở hữu 24,82% vốn Công ty.