Trước kia, mỗi cây hồng tiến Vua Hạc Trì được coi là cả một gia tài lớn của các gia đình sở hữu nó nhưng hiện nay loại quả sản vật quý giá này chỉ còn lại rất ít và được trồng rải rác trong vườn của một số gia đình.
Hồng Hạc Trì không hạt - Loại quả đặc sản ngon nức tiếng
Nhắc đến sản vật hồng Hạc Trì, cho đến nay nhiều cao niên trên vùng đất Tổ vẫn khẳng định loại quả này ngon nức tiếng. Tuy nhiên, khi hỏi để tìm về căn gốc của guống hồng hiện còn hay không và nếu còn thì đang ở đâu? Chẳng mấy ai biết về loại quả này.
Phải qua thăm hỏi ở nhiều nguồn thông tin tôi ngược Hà Nội tìm lên xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Tại nơi đây có gia đình nhà ông Nguyễn Hữu Yết, 88 tuổi là đang trồng giống hồng không hạt Hạc Trì.
Khi tôi đến, ông Yết đang cùng người cháu nội Nguyễn Minh Thạnh (sinh năm 1987) chăm sóc cho cây hồng cổ lão trĩu quả trước sân. Ông Yết tự hào bởi gia đình ông là một trong số ít hộ trên địa bàn Phú Thọ có vườn hồng Hạc Trì lớn nhất.
Cả vườn cây của ông còn ước chừng hơn 10 cây hồng. Trong đó, gốc hồng nguyên bản, được nhân ra từ rễ có tận… 6 cây. Tuổi đời 6 gốc hồng này chừng 50 -100 tuổi, riêng những gốc ươm trồng qua ghép cành thì cũng có tuổi đời 10 - 20 năm tuổi.
Nhắc chuyện hồng tiến Vua, ông Nguyễn Hữu Yết cho biết: Trước đây những cây hồng này sai quả nhưng không hiểu sao chục năm gần đây cây vẫn ra sai quả nhưng đều bị rụng hết. Cây có hiệu quả kinh tế không còn cao nên đành chặt bỏ, tiếc nhất là những gốc ở trong tình trạng khô cành, rụng lá chết dần mà không cứu được.
“Nhiều khi tôi cũng muốn phá bỏ để trồng cây khác nhưng nghĩ đến tuổi thọ cao nên giữ lại để nhân giống không lại thất truyền giống hồng quý…” - ông Yết chia sẻ.
Theo tìm hiểu, giống hồng Hạc Trì là loại quả đặc sản quý hiếm của vùng đất Hạc Trì xưa, được cả nước biết đến. Hồng Hạc Trì có mẫu mã đẹp, quả to, vuông thành chia bốn múi lõm sâu rõ rệt, đỉnh và đáy quả cũng lõm sâu có thể đặt đứng mà không đổ.
Hồng Hạc Trì tai vểnh không có hạt, quả có màu xanh vàng, khi chín có màu vàng sáng, bổ quả thấy thịt vàng đậm có nhiều cát ăn giòn, ngọt mát, thơm dịu với hương vị rất riêng, để lâu không bị dập nên giống hồng này được người tiêu dùng ưa thích và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước. Đặc biệt, hồng Hạc Trì không chín vào dịp rằm Trung thu mà chín rộ vào tháng 9 âm lịch.
Theo lời ông Yết, hồng thơm dịu với hương vị rất riêng, không loại hồng nào sánh được là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, muốn hồng ngon cũng cần phải có bí quyết.
Theo đó, muốn hồng có vị ngọt, ngon thơm, ăn giòn sau khi thu hái phải để một ngày cho hồng chết nhựa sau đó mới đem ngâm. Nếu ngâm ngay sẽ long tai. Nước ngâm hồng khong cần cầu kỳ, có thể đơn thuần là nước sạch, nước giếng đồi song không thể là nước máy, nước sông…
Và đặc biệt, hồng phải được ngâm và chum vại sành 2 ngày 3 đêm nếu rơi vào cữ tháng 8 và 3 ngày 3 đêm nếu ngâm vào cữ tháng 9. “Sau khi ngâm như vậy thì phải vớt ra rồi để 1 ngày 1 đêm cho ráo nước. Làm đúng quy cách như thế thì hồng sẽ không còn vị chát...” – ông Yết bật mí.
Những điều trăn trở về loại quả đặc sản Hồng Hạc Trì
Xưa, đĩa hồng Hạc trì đầu vụ trước tiên để dâng lên cúng ông bà rồi mới chia cho con cháu. Thời khắc thưởng thức loại đặc sản này ngắn ngủi chỉ có ít ngày trong năm, lại không phải cứ có tiền mà mua được nhưng người nào đã có dịp ăn đều háo hức chờ đợi vụ hồng năm sau. Nếu may mắn, biết đâu đấy, lại tìm thấy hồng Hạc Trì như được gặp một cố nhân.
Qua tìm hiểu, tại bản công bố hiện trạng và tiềm năng của hai giống hồng Hạc Trì và Gia Thanh của Trung tâm nghiên cứu khoa học nông vận thuộc Hội nông dân Việt Nam vào năm 2016 thì Hồng Hạc Trì có tuổi thọ cao, nhiều cây trên trăm tuổi vẫn cho thu hoạch, bình quân trên những cây 20 - 30 tuổi cho thu hoạch trên 100kg quả, cá biệt có những cây đạt 150 - 200kg. Tại bản công bố này cũng chỉ rõ, hiện nay hồng Hạc Trì tập trung chủ yếu ở xã Trưng Vương thành phố Việt Trì.
Một số cây khác thì rải rác ở xã Tiên Kiên (Lâm Thao), Tử Đà (Phù Ninh) và các địa phương lân cận. Tại xã Trưng Vương là xã trước đây có nhiều hồng Hạc Trì thì hiện nay qua điều tra cho thấy cây hồng tồn tại lẻ tẻ trong các vườn hộ. Số lượng hộ có hồng còn ít.
Cụ thể, 80% trong đó số hộ có 1 - 3 cây, một số hộ có trên 10 cây. Tuổi cây khá cao có tới 32% cây trên 70 năm; 22% cây 30 - 70 năm, còn lại 22% số cây tầm 10 năm tuổi. Đáng chú ý, do không có hạt nên từ thượng cổ tới giờ chỉ có mỗi một cách để nhân giống hồng Hạc Trì là cắt rễ ra ươm.
Theo kinh nghiệm của ông Yết, mỗi cây hồng trưởng thành sẽ bới đất để lấy hai cái rễ dài 50 - 70cm, to bằng đầu đũa rồi cắt nhỏ ra từng đoạn chừng một gang tay. Số rễ giống này sẽ dâm vào đất ẩm để tự nảy mầm.
Nói là vậy song theo người cháu nội của ông Yết, cũng là một trong những người sống nhờ nghề ươm trồng sinh vật cảnh, với giống hồng Hạc Trì dù tỷ lệ cây nảy mầm cao song số sống sót lại rất ít.
Chẳng hạn, năm đầu tiên chỉ 80% số rễ sống sót, năm thứ hai 60%, năm thứ ba 30 - 40%. Sau khi đã xác định cây non sống sót, thì phải sau 3 năm mới là thời điểm thích hợp để đánh cây lên trồng. Khi trồng xuống rồi tỷ lệ chết của hồng Hạc Trì cũng không ít.
Dù chăm bón đến cỡ nào thì cây vẫn chỉ thủng thẳng phát triển một cách chậm rãi không thể chậm rãi hơn. 7 năm chúng mới ra hoa bói. 10 năm mới có tương đối quả.
20 năm mới đào được rễ lên để nhân giống và cách mấy năm mới được đào lại kẻo suy kiệt mà chết bất đắc kỳ tử.
“Ươm và nhân giống khó khăn nên hồng Hạc Trì đang mai một dần. Sản phẩm hồng không có bán trên thị trường mà chỉ đủ gia đình sử dụng và cho, tặng một số gia đình xung quanh…” - anh Nguyễn Minh Thạnh chia sẻ.