Cứ đến mùa báo cáo tài chính, cổ đông của công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) lại như “ngồi trên đống lửa” khi cả HAG và HNG cùng báo lỗ lớn và nợ khủng.
Hoàng Anh Gia Lai là công ty gắn liền với tên tuổi ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Còn HNG được xem là “con đẻ” của bầu Đức. HNG là công ty con của HAG. HAG nắm giữ tỷ lệ lớn vốn HNG.
Mặc dù cả HAG và HNG đều khó khăn nhưng bầu Đức vẫn có lý do để vui mừng khi bất chấp nghịch cảnh, cả HAG và HNG đều tăng rất mạnh trong những ngày đầu năm Đinh Dậu khiến túi tiền của riêng bầu Đức và 2 công ty tăng mạnh.
Lỗ ngàn tỷ, nợ tỷ đô
Mới đây, HAG và HNG tiếp tục khiến cổ đông thất vọng khi tái diễn tình cảnh lỗ lớn, nợ khủng trong quý 4/2016.
|
Các công ty của bầu Đức đều thua lỗ thảm. |
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 của Hoàng Anh Gia Lai, trong kỳ công ty lỗ 146 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản thua lỗ 740 tỷ đồng cùng kỳ năm 2015, lũy kế cả năm 2016 lỗ 1.415 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2015, công ty lãi 502 tỷ đồng.
Song hành cùng với lỗ lớn là nợ khủng. Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai đạt 27.366 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD). Trong đó, nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn khi đạt 20.794 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 18.801 tỷ đồng so với năm 2015.
Nợ khủng khiến công ty đối diện với áp lực trả lãi ngân hàng. Trong quý 4/2016, công ty nhà bầu Đức phải chi 397 tỷ đồng chi phí tài chính. Trong đó có tới 382 tỷ đồng chi phí lãi vay. Cả năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai phải trích ngân sách 1.557 tỷ đồng trả tiền lãi.
Chi phí lãi vay vượt trội so với lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch (hơn 1.000 tỷ đồng) nên mọi chỉ tiêu lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai đều là những con số âm.
Tương tự công ty “mẹ”, công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai rơi vào tình cảnh lỗ lớn, nợ khủng. Theo báo cáo tài chính quý 4/2016, trong quý 4, HNG lỗ 303 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 125 tỷ đồng của quý 4/2015, lũy kế cả năm 2016 lỗ 990 tỷ đồng. Năm 2015, công ty lãi 725 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2016, HNG “sở hữu” tổng nợ lên tới 20.269 tỷ đồng (khoảng 890 triệu USD). Như vậy, hai công ty “mẹ con” của bầu Đức sở hữu khoản nợ lên đến 47.635 tỷ đồng (gần 2,1 tỷ USD).
Vẫn kiếm bộn
Mặc dù cả Hoàng Anh Gia Lai và công ty con công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai bết bát trong suốt thời gian qua nhưng diễn biến của cổ phiếu HAG và HNG trong những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017 lại cho thấy điều ngược lại.
Tính từ cuối năm Bính Thân 2016 tới ngày 15/2, cổ phiếu HAG đã tăng 1.450 đồng/CP, tương ứng 26% lên 7.050 đồng/CP. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai và tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức tăng 26%.
Cụ thể, sau nửa tháng giao dịch đầu tiên của năm Đinh Dậu, vốn hóa thị trường Hoàng Anh Gia Lai tăng 1.145 tỷ đồng lên 5.569 tỷ đồng. Giá trị cổ phiếu HAG do bầu Đức nắm giữ tăng 504 tỷ đồng lên 2.452 tỷ đồng. Nhờ đó, vị trí trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán của bầu Đức được cải thiện lên 12.
Cổ phiếu HNG cũng tăng khá mạnh. Sau nửa tháng giao dịch, HNG tăng 1.820 đồng/CP, tương ứng 25% lên 9.120 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường HNG tăng 1.396 tỷ đồng lên 6.996 tỷ đồng.
Có 2 thông tin quan trọng khiến cổ phiếu HAG và HNG “ngược dòng” thành công. Đó là giá cao su trên thị trường thế giới đang tăng. Mà tại cả HAG và HNG, cao su đang dần trở thành hàng hóa chiếm tỷ trọng giá trị cao.
Bên cạnh đó, một thông tin quan trọng khác được hé lộ trong báo cáo tài chính đã “giải cứu” thành công Hoàng Anh Gia Lai. Đó chính là các trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đã đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm. Điều này có nghĩa với việc công ty nhà bầu Đức sẽ tạm thời gỡ bỏ áp lực dòng tiền trong vài năm tới để có thời gian cơ cấu lại công ty.