Lan đột biến và câu chuyện của người chơi lan bạc tỷ

Google News

Hơn 20 năm theo đuổi đam mê với hoa lan, anh Hiếu đã đánh dấu tên tuổi của mình trong cộng đồng những người chơi lan đột biến khi sở hữu hàng trăm giò lan giá trị từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ.

Giữa tiết trời tháng 6 nắng cháy da cháy thịt là lúc hoa lan nở đẹp nhất. Tôi phải trèo ít nhất 10 cái giàn, mỗi giàn rộng từ 1.000-2.000m2, nước không được uống, ăn không được ăn để tìm ra những mặt hoa đặc biệt mà mình ưng nhất mang về.
Đó là những chia sẻ của anh Hoàng Hiếu (46 tuổi), trú tại Đống Đa, Hà Nội về những ngày tháng đam mê đi tìm những mặt hoa phi điệp đặc biệt từ khi phong trào chơi lan đột biến còn chưa nở rộ như thời gian gần đây.

Một trong những mặt hoa lan đột biến anh Hiếu đang sở hữu.

Liều mình “ôm” vàng “đổi” lan

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngày đầu tiên được nhìn thấy những chậu lan khoe sắc với hương thơm đặc biệt tại hội chợ Giảng Võ năm 1983 đã nuôi dưỡng ước mơ của cậu bé 7 tuổi.

“Trong lòng tôi lúc nào cũng nghĩ về loại hoa đặc biệt ấy và luôn tự nhủ với bản thân, sau này lớn lên, nếu có tiền, có nhà riêng, thế nào cũng phải tìm mua về chơi cho sướng”, anh Hiếu kể lại.

Năm 2001, sau khi lấy vợ rồi ra ở riêng, sở hữu căn nhà vỏn vẹn 7m2 trên phố Cự Lộc (Thanh Xuân, Hà Nội), anh Hiếu bắt đầu tìm mua những chậu lan đầu tiên về chơi cho vui.

Tuy nhiên, chiếc ban công nhỏ rộng chỉ 1m2 không chứa đủ đam mê nên anh đã bươn trải đủ nghề, từ buôn bán hải sản đến ép cọc bê tông để lấy tiền kiếm sống và chuyển sang căn nhà khác rộng hơn để có hỗ chơi lan.

Anh Hiếu chia sẻ về những ki lan có giá trị của mình.

“Tôi đam mê đến mức nếu đi qua nhà nào thấy mùi hương hoa lan là biết ngay, đứng cả tiếng để hít hà cho thỏa. Không những thế, tôi còn lén lấy 4 cây vàng của vợ để đi mua 20 chậu lan hồ điệp về trồng nhưng chết sạch không được cây nào. Nhưng từ đó, máu chơi lan trong người tôi mới bắt đầu trỗi dậy, quyết tâm lấy lại bằng được số tiền mình đã mất”, anh Hiếu nói.

Sau thời gian cố gắng và dành dụm, hai vợ chồng cũng chuyển sang được căn nhà khác rộng hơn ở phố chợ Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), lấy chỗ cho anh Hiếu chơi lan.

Ôm 7 tấn lan về chơi “xổ số”

Có không gian rộng hơn, lại nhận thấy nhu cầu chơi lan của người Hà Nội ngày càng lớn. Năm 2008, anh Hiếu bắt đầu lặn lội đi khắp các khu chợ để mua lại những chậu lan có mặt hoa đẹp. Một phần anh chia sẻ lại cho những người có cùng đam mê để lấy tiền duy trì, phần thân già anh giữ lại để chơi.

Để theo đuổi đam mê, anh thường chỉ giữ lại những thân già để làm giống, phần còn lại anh chia sẻ lại cho người cần.

Buổi sáng, sau khi đưa con đi học xong, anh Hiếu bắt đầu phóng xe máy ra chợ Bưởi, chợ Mơ, chợ Hà Đông rồi vòng qua chợ Sơn Tây, đi đến cả những làng trồng hoa lan nổi tiếng ở Đồng Nhân, La Cả, La Phù để tìm lan.

“Hễ ra chợ, thấy người ta mách nhà này, nhà kia có cây đẹp là phi ngay đi kẻo người khác mua mất. Thậm chí còn book vé máy bay rồi đi vào tận rừng Chư Pưh ở Gia Lai để mua bằng được cây mình thích. Vào đến nơi là 12 giờ đêm nhưng hoa lại khác với ảnh họ chụp do cánh bị ám màu hồng, đành ra về tay trắng”, anh Hiếu nói.

Để tìm được những mặt hoa đẹp, độc, lạ, anh Hiếu phải mất rất nhiều thời gian.

Theo anh Hiếu, trời tháng 6, tháng 7 nắng như đổ lửa, vậy mà ngày nào anh cũng trèo cả chục giàn, rộng từ 1.000-2.000m2 để tìm ra những cây có mặt hoa đẹp.

Có nhà ghép từ 5-7 tạ phi điệp mà không tìm được cây nào có hoa độc, lạ. Ăn không được ăn, uống không được uống, vội vội vàng vàng chỉ mong nhanh chóng tìm được rồi phi về đón con.

Có thời điểm, mỗi ngày, anh Hiếu nhập về từ 1-3 tạ lan phi điệp với giá 320.000 đồng/kg để chọn ra những cây thân xanh, thân vàng làm giống rồi bán số còn lại làm vốn xoay vòng.

Chỉ trong 3 tháng, anh phải bỏ công sức lọc gần 7 tấn lan phi điệp để chọn ra gần 4 tạ mang về ghép và ươm tại khu vườn rộng 250m2 ở Hà Đông nhưng không được 1 cây nào đột biến.

Vườn lan hiện tại nhà anh Hiếu tại Hà Nội với hàng trăm giò lan quý hiếm.

Anh Hiếu đang chăm sóc vườn lan của mình.

“Tôi nhớ năm 2010, khi tôi bỏ ra 2 triệu đồng để sở hữu 1 chậu lan 5ct Di Linh. Vợ tôi mắng xối xả, bảo rằng, cây này chỉ cho bò ăn, vứt ra đường không ai nhặt. Bực quá, tôi bán luôn cho người bạn chơi cùng. Sau 3 tháng, bạn tôi bán được với giá gấp 3 lần. Từ đó mới thôi thúc tôi tiếp tục ra chợ để tìm kiếm thêm những chậu lan rừng khác về chơi”, anh Hiếu bộc bạch.

Hoa không phụ lòng người, hơn 20 năm theo đuổi đam mê với hoa lan, anh Hiếu đã đánh dấu tên tuổi của mình trong cộng đồng những người chơi lan đột biến khi sở hữu hàng trăm giò lan có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến vài chục tỷ đồng như Juliet, 5ct Phú Thọ, 5ct Di Linh, Diamond, Nhị Long, Đống Đa, Văn Miếu, Ái Linh, Nhật Lệ…

Chậu lan Juliet anh Hiếu sở hữu vào tháng 6/2020.

Và hàng loạt cây lan đột biến có giá trị.

Với anh Hiếu, năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt mới khi phong trào chơi hoa lan đột biến nở rộ. Hàng loạt các mặt hoa độc, lạ do anh Hiếu sưu tầm được cộng đồng lùng mua với giá cao đã giúp anh có một số vốn không hề nhỏ.

Nói về thành công của mình, anh Hiếu cho rằng, để có được ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng tìm kiếm không ngừng nghỉ để tìm cái đẹp hướng đến cái đẹp.

“Có cái đẹp rồi sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tìm kiếm những thứ đẹp hơn nên chắc chắn rằng, với những mặt lan đẹp, độc, hiếm sẽ không bao giờ mai một và đặc biệt, hoa sẽ không phụ lòng người nếu thực sự có đam mê”, anh Hiếu nhấn mạnh.

Theo Hồng Cảnh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)