Sai phạm nối tiếp sai phạm
Tại Văn bản số 454/CV-ANĐT-P5 ngày 25/6/2016, Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) nêu rõ: Đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc thực hiện Dự án BT đầu tư đường trục phía nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các dự án hoàn vốn: KĐT Thanh Hà Cienco 5 (trước đây là Thanh Hà A, Thanh Hà B), Mỹ Hưng - Cienco 5, do TCT Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP (Cienco 5) là nhà đầu tư/CĐT.
Kết quả điều tra đến nay, xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc Cienco 5 Land huy động vốn liên quan đến việc kinh doanh các sản phẩm BĐS thuộc Dự án KĐT Thanh Hà - Cienco 5, ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân liên quan.
Từ đó, Cơ quan An ninh Điều tra yêu cầu Cienco 5 Land dừng ngay việc huy động vốn liên quan đến việc kinh doanh các sản phẩm BĐS thuộc Dự án KĐT Thanh Hà – Cienco 5. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ khi Cơ quan An ninh điều tra có văn bản trên, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu sự việc có bị “chìm xuồng”?
|
Dự án Tân Lập - Đan Phượng được chuyển nhượng cho Cienco 5 Land |
Trong khi những nghi vấn tiêu cực tại Dự án KĐT Thanh Hà liên quan tới Cienco 5 và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) còn chưa có hồi kết thì mới đây, TH&CL tiếp tục nhận được phản ánh một số sai phạm nghiêm trọng khác tại Dự án KĐT Tân Lập, cũng do Cienco 5 Land là DN thực hiện dự án.
Lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng?
Hồ sơ sự việc cho biết, tại Biên bản thanh lý HĐ số 265/TL-HĐKT ký kết ngày 16/3/2011 giữa Cienco 5, do ông Thân Đức Nam khi đó làm TGĐ và Cienco 5 Land, do ông Phan Văn Mạnh làm TGĐ thì hai bên thanh lý HĐ số 872-BT-HĐ, 872-TL/HĐ, 872-HQV/HĐ. Trong đó, riêng HĐ số 872-TL/HĐ, trị giá 3,076 tỷ đồng.
HĐ 872-TL/HĐ chính là HĐ thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội) giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land. Tại điều 2 của HĐ nêu rõ, CĐT giao cho đại diện CĐT dự án chịu toàn bộ trách nhiệm trực tiếp tổ chức quản lý, đầu tư, xây dựng và kinh doanh dự án với mức giao khoán lợi nhuận bên B phải trích cho bên A là 2%/tổng giá trị đầu tư. Điều 3 của HĐ nêu rõ, giá trị HĐ là 572 tỷ đồng x 2% = 11,447 tỷ đồng, nhưng giá trị nêu trên mới là “tạm tính”. Thực tế, số tiền thanh lý ngày 16/3/2011 của HĐ trên chỉ là 3,076 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận của dự án ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Theo phản ánh, việc giao khoán trên là không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, thông qua các nghị quyết và các HĐ giao khoán thu 2% là trái với quy định (?).
Được biết, ngày 6/5/2010, Cienco 5 tổ chức họp HĐQT mở rộng, ông Dương Viết Doãn, Chủ tịch HĐQT chủ tọa, có sự tham dự của ông Thân Đức Nam TGĐ và 28 người khác. Cuộc họp đi đến thống nhất: Giao khoán lợi nhuận mà Cienco 5 Land phải nộp cho Cienco 5 tại các Dự án KĐT Thanh Hà A, B, Mỹ Hưng và khu nhà ở Tân Lập theo tỷ lệ là 2% tính trên giá trị chi phí tiền sử dụng đất phải nộp cho TP. Hà Nội và 2% chi phí quản lý dự án xây lắp đường Hoàng Quốc Việt kéo dài (tăng hơn so với mức thu tại Nghị quyết số 866 là 20,872 tỷ đồng). Cienco 5 thống nhất về chủ trương cùng với Cienco 5 Land có văn bản giải trình với các cơ quan chức năng để thay đổi CĐT từ Cienco 5 sang Cienco 5 Land sau khi Cienco 5 Land hoàn thành nghĩa vụ tài chính nêu trên cho Cienco 5 và được thực hiện khi các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Chuyển nhượng dự án trá hình
Chủ trương khoán lợi nhuận 2%, theo một lãnh đạo Cienco 5, có dấu hiệu giống như một kiểu chuyển nhượng dự án trá hình? Việc chuyển hàng loạt dự án lớn cho một người khác thực hiện mà chỉ thu về lợi nhuận 2%, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát không nhỏ tài sản của Nhà nước. Nếu việc này được định giá công khai, minh bạch hoặc đấu thầu cho các DN khác thực hiện, số tiền thu về có thể lớn hơn rất nhiều, không thể là 2%.
Dấu hiệu chuyển nhượng dự án trá hình càng rõ hơn khi trả lời báo chí trước đó, Chủ tịch HĐQT Cienco 5 Land từng cho biết:
khi Cienco 5 Land thành lập, đã được Bộ GTVT giao tự huy động vốn, chứ không phải vốn nhà nước. Con số 49% chỉ là trên danh nghĩa, thực tế là thoái vốn ngay từ đầu. Thực tế, các quy định của pháp luật không cho phép thành lập DN dự án theo kiểu “danh nghĩa” như vậy rồi chuyển toàn bộ các dự án BT cho công ty cổ phần thực hiện.
Ngày 24/5/2016, HĐQT Cienco 5 đã ban hành nghị quyết, nêu rõ việc TCT thành lập, chuyển nhượng vốn đầu tư tại Cienco 5 Land, cũng như việc ký HĐ giao khoán (thu 2%) để thực hiện các dự án đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện, TCT sẽ có văn bản gửi các cơ quan pháp luật xem xét, xử lý theo quy định.
Những dấu hiệu sai phạm trên có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng, có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở các dự án KĐT lớn. So với các dự án nghìn tỷ ở Bộ Công thương thì những nguy cơ thiệt hại tại các dự án KĐT kiểu này đối với Nhà nước cũng không hề thua kém. Đây là vấn đề cần được các cơ quan pháp luật sớm vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ, không chỉ những nghi vấn ở Dự án KĐT Thanh Hà, mà cả ở Dự án KĐT Tân Lập, lâu nay hầu như chưa được đề cập?