Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 vào ngày 5/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: “Không ít doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng ngàn tỉ đồng “đắp chiếu”, làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…”.
Đánh giá của Tổng Bí thư cũng chính là mối quan tâm của dư luận đối với việc xử lý 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Những dự án này đã ngốn hàng chục ngàn tỉ đồng từ ngân sách nhà nước.
Nợ phải trả trên 55.000 tỉ đồng
Bộ Công Thương vừa chính thức công bố thông tin về 12 dự án chậm tiến độ, thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Trong danh sách này có Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy thép Việt-Trung, Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…
|
Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn. Ảnh: TP
|
Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên 43.673 tỉ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610 tỉ đồng, tức tăng 45,65%. Trong đó vốn vay là 47.451 tỉ đồng, chiếm 74,6%.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm cuối năm 2016 lên tới 16.126 tỉ đồng; tổng nợ phải trả là 55.063 tỉ đồng…
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nhận xét 12 dự án nói trên đều có mục đích ban đầu rất tốt là sản xuất những sản phẩm công nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc gia. Nhưng một khối lượng vốn và tài sản lớn như vậy đã được sử dụng không có hiệu quả, đưa đến tình trạng thua lỗ, tiến thoái lưỡng nan như hiện nay quả là điều đáng tiếc.
TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh: “Khối lượng tài sản thất thoát, lãng phí ở các dự án thua lỗ, kém hiệu quả như vậy là rất lớn. Dù là vốn đi vay thì cuối cùng nhân dân sẽ phải trả. Vì vậy không thể xử lý đơn giản để có thể dẫn đến mất trắng. Ngân sách đang khó khăn thì thua lỗ trong các dự án nói trên là không thể chấp nhận được”.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thì cho rằng vấn đề thua lỗ của các DNNN một phần do chính sách ưu đãi và sự can thiệp của Nhà nước vào kinh doanh. Các DN này vốn dĩ đã nhận được quá nhiều ưu đãi của Nhà nước về vốn, thuế, đất đai (thường có diện tích lớn, ở vị trí đắc địa).
“Nhìn vào danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được bảo lãnh vay vốn với tổng mức vốn vay được bảo lãnh lên tới 21 tỉ USD như Bộ Tài chính vừa có báo cáo cho thấy Nhà nước vẫn chưa dứt khoát với việc ưu đãi cho các DNNN. Đó thực sự là điều rất đáng lo ngại” - TS Cung nói.
Phân loại và cho phá sản
Trước câu hỏi lấy tiền đâu để xử lý, trả khoản nợ hàng chục ngàn tỉ đồng… cho các dự án thua lỗ, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng về bản chất chính là cơ cấu lại tài chính và Nhà nước nên để thị trường xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Theo đó Nhà nước phải thông tin đầy đủ, chính xác để thị trường và các nhà đầu tư sẵn lòng xông vào xử lý những dự án này.
“Có những dự án có thể cho phá sản nhưng nếu nhà đầu tư tiềm năng thấy tốt thì phải để lại. Còn những dự án mà thị trường, nhà đầu tư không thích “chơi” thì phải giải tán, phá sản. Những nhà đầu tư chiến lược mới sẽ cơ cấu lại nợ, tài chính và chính họ quyết định chiến lược nhân sự và kinh doanh tiếp theo của các dự án ấy” - TS Thành gợi ý.
Bên cạnh ủng hộ giữ lại các dự án sau khi chấn chỉnh đang phát huy hiệu quả để sau đó thực hiện thoái vốn, TS Lưu Bích Hồ dứt khoát: “Đối với những dự án không có triển vọng phát triển nữa như ba nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hay Nhà máy sợi Đình Vũ, cần thực hiện chuyển nhượng vốn, thoái vốn ngay hoặc từng bước. Đối với các dự án không thể cứu vãn được như Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất thì cho phá sản hoặc chuyển đổi sở hữu nếu có thể hoặc bán đấu giá công khai như dự án sản xuất bột giấy Phương Nam”.
Phân tích kỹ hơn, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng các DNNN hiện nay vẫn có lợi thế về vốn, đất đai, tài sản… thì hãy để họ tự cạnh tranh, phát triển. DNNN nào quá yếu kém, Nhà nước đã hỗ trợ cả thuế, giãn nợ mà vẫn không khá lên được thì phải cho phá sản, không cản trở các DN khác phát triển. “Nếu trước đây Nhà nước cho phá sản Vinashine và Vinalines và một số DN khác, tình hình bây giờ có thể đã khác” - TS Cung nêu kinh nghiệm.
Xử lý theo cơ chế thị trường
Bộ Công Thương cho hay quan điểm của Bộ là kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; Nhà nước không tiếp tục cấp thêm tiền vào các dự án. Tập trung thực hiện tái cơ cấu các dự án, ưu tiên các phương án bán, chuyển nhượng, thoái vốn, đồng thời xem xét thực hiện phá sản, giải thể các DN, dự án không có điều kiện phục hồi theo quy định của pháp luật.
“Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án thua lỗ, kém hiệu quả” - Bộ Công Thương nêu rõ.
TS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, thiếu trách nhiệm đối với các dự án thua lỗ nói trên phải được xử lý nghiêm minh và phải được chấm dứt. Mặt khác, cần tránh tình trạng lãnh đạo DN để thua lỗ chẳng những không bị xử lý mà lại còn được đề bạt lên vị trí cao hơn.
Đề nghị cho phá sản tàu thủy Dung Quất
Bộ Công Thương cho hay có ba phương án được xem xét để xử lý đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) gồm: Phương án 1: Chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ; phương án 2: Phá sản DQS theo quy định của pháp luật; và phương án 3: Tiếp tục tái cơ cấu DQS.
Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, Bộ Công Thương đề xuất ưu tiên lựa chọn phương án 2, đó là phá sản DQS theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi sở hữu DQS thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ nếu tìm được nhà đầu tư đáp ứng đầy đủ điều kiện thì thực hiện phương án 1.
|