Vài ngày trước, anh Lê (ngụ quận 2, TP HCM) ghé phòng giao dịch Ngân hàng (NH) TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh TP HCM xác nhận số dư trong tài khoản thẻ ATM. Chỉ một tờ giấy A4 có thông tin chủ tài khoản, số dư và đóng mộc của NH nhưng anh Lê phải trả phí tới 55.000 đồng. "Mức phí ngân hàng như vậy là quá cao" - anh Lê bức xúc.
Ngày càng tăng
Chị Trang Nhung (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa phải trả gần 40.000 đồng phí in sao kê tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Do bán hàng qua mạng, chị Nhung thường nhận chuyển khoản tiền mua hàng từ nhiều khách hàng nên muốn in sao kê để xem chi tiết lịch sử giao dịch. Có điều, nhân viên NH cho biết phí giao dịch là 3.000 đồng/trang giấy A4, sao kê của chị gồm 12 trang nên phí bao gồm cả thuế GTGT là 39.600 đồng.
|
Nhiều ngân hàng liên tục điều chỉnh phí dịch vụ trong thời gian gần đây. Ảnh: TẤN THẠNH
|
"Về đến cửa hàng, tôi xem kỹ mới thấy xấp sao kê chỉ có 6 tờ A4, vậy là NH in 2 mặt giấy và tính phí mỗi mặt giấy là 1 trang, giống như mình bị tận thu vậy" - chị Nhung thở dài.
Ghi nhận tại một số NH thương mại, mức phí giao dịch qua thẻ ATM, trên ứng dụng NH điện tử (Mobile Banking, Internet Banking), Mobile Bankplus và cả SMS Banking cũng có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.
Chị Lam Giang (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết cơ quan trả lương cho chị qua Eximbank và chị để ý thấy một số khoản phí có xu hướng tăng trong thời gian qua, như SMS Banking từ 8.800 đồng/tháng lên 11.000 đồng/tháng, bắt đầu thu phí duy trì tài khoản nếu số dư tài khoản của chủ thẻ dưới 100.000 đồng/tháng. Mức phí chuyển khoản qua Internet Banking áp dụng 0,033% tổng số tiền chuyển, tối thiểu 11.000 đồng/giao dịch nhưng lại không có mức tối đa như các NH khác.
"Tôi vừa chuyển khoản cho gia đình 250 triệu đồng qua Internet Banking, cứ nghĩ phí giao dịch thấp hơn tại quầy, ai ngờ lúc chuyển NH báo phí tạm tính lên tới 161.493 đồng/giao dịch. Không nghĩ giao dịch qua NH điện tử lại có mức phí cao như vậy" - chị Lam Giang nói.
Thậm chí, nhân viên một số NH còn hướng dẫn khách hàng cách giao dịch, chuyển tiền để phí bị tính thấp hơn. Anh Mạnh (ngụ quận 9, TP HCM) cho biết anh có nhu cầu đáo hạn sổ tiết kiệm 650 triệu đồng tại NH TMCP Phương Đông (OCB) rồi chuyển tiền vào tài khoản khác của mình tại Eximbank. Nhân viên OCB hướng dẫn nếu tất toán sổ tiết kiệm rồi chuyển tiền mặt, anh Mạnh sẽ mất phí khoảng 110.000 đồng. Nhưng nếu anh mở tài khoản thanh toán tại OCB rồi chuyển qua Eximbank, mức phí sẽ thấp hơn nhiều. Có điều, mở tài khoản tại OCB thì phải có số dư tối thiểu 50.000 đồng và mỗi tháng anh bị trừ 5.500 đồng phí SMS Banking.
"Với khoản tiền 650 triệu đồng nếu chuyển 1 lần phí sẽ cao do OCB áp dụng phí chuyển khoản dưới 500 triệu đồng là 11.000 đồng. Vậy là nhân viên NH lại hướng dẫn tôi tách thành 2 ủy nhiệm chi, chuyển 2 lần để mức phí tổng cộng là 22.000 đồng" - anh Mạnh thuật lại và nhìn nhận cách làm này đỡ tốn phí nhưng lại mất thời gian.
Ngân hàng cần cân nhắc
Nhiều khách hàng cho rằng sử dụng dịch vụ phải trả phí là đương nhiên, nhưng một số khoản phí mà nhiều NH áp dụng ở mức rất cao hoặc chưa hợp lý như phí duy trì tài khoản, phí quản lý tài khoản (bởi khách hàng đã phải để số dư tối thiểu trong tài khoản là 50.000 đồng)…
Trong khi đó, một số NH đã liên tục điều chỉnh phí dịch vụ trong thời gian ngắn. Đầu tháng 3-2018, Vietcombank áp dụng biểu phí dịch vụ Mobile Banking mới, theo hướng tăng lên và vừa tiếp tục thông báo biểu phí dịch vụ Mobile Bankplus. Cả hai biểu phí mới này đều theo hướng bắt đầu thu phí chuyển khoản nội mạng (trước đây miễn phí), mức phí tùy thuộc vào số tiền chuyển của khách hàng. Chẳng hạn, khách hàng chuyển khoản nội mạng dưới 50 triệu đồng sẽ mất phí 2.000 đồng/giao dịch và trên 50 triệu đồng sẽ mất 5.000 đồng/giao dịch (chưa gồm thuế GTGT).
Theo nhiều NH, việc tăng phí dịch vụ sau một thời gian miễn phí để khách hàng làm quen với dịch vụ là tất yếu bởi NH đã đầu tư vào hệ thống NH điện tử, nâng cấp hệ thống để bảo đảm an toàn, tạo thuận lợi cho khách hàng trong giao dịch. Một số NH còn cho rằng mức phí như hiện nay là thấp và không ít khoản thu chưa bù đắp được vốn đầu tư ban đầu. Hơn nữa, khách hàng có nhiều sự lựa chọn và ngành NH không độc quyền nên thực tế không thể ép khách hàng dùng dịch vụ.
Giám đốc trung tâm thẻ một NH cổ phần quy mô lớn có hội sở tại Hà Nội phân tích nếu phí đúng nghĩa thực thu của NH thương mại chỉ có phí phát hành, phí thường niên áp dụng cho thẻ, phí quản lý tài khoản, còn lại các khoản phí in sao kê, phí xác nhận số dư tài khoản chỉ phát sinh khi khách hàng giao dịch.
"Nếu khách hàng sử dụng gói tài khoản và nhận lương qua thẻ mở tại NH chúng tôi thì gần như miễn phí. Ngay phí SMS Banking tại NH là 3.300 đồng/tháng cho khách hàng trả lương qua thẻ nhưng tin nhắn nhà mạng thu tới 700-800 đồng/tin và NH phải trả chi phí này thay cho khách hàng. Tính ra, tối đa một năm chủ thẻ chỉ trả khoảng 150.000 đồng phí cố định" - vị giám đốc trung tâm thẻ này giải thích.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, cho rằng mỗi NH có chính sách thu phí dịch vụ khác nhau nhưng phải rõ ràng các mức thu để khách hàng biết. Trừ một số khoản phí bắt buộc như vay NH phải trả lãi, còn những khoản phí trước đây miễn nhưng nay bắt đầu thu thì NH phải cân nhắc kỹ.
"OCB đang miễn phí nhiều giao dịch và tôi cho rằng các NH cũng có nhiều cách khác nhau để tiết kiệm chi phí như tối ưu hóa các khoản đầu tư, quy trình làm việc, chi phí lao động… Các khoản tiết kiệm được sẽ giành cho việc miễn các phí dịch vụ đơn giản của khách hàng như chuyển tiền nội mạng, giao dịch tại ATM" - ông Tùng nói.
Chuyên gia tài chính - TS Bùi Quang Tín, nhận định nếu NH thương mại tiết kiệm các chi phí hoạt động thì mức phí áp dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ thấp, thậm chí không cần tăng phí hoặc ngược lại. Bởi hiện nay, tiền gửi không kỳ hạn của các khách hàng đang được áp mức lãi suất khoảng 0,2%-0,5%/năm. Với khoản tiền này, NH đem cho vay lãi suất thấp cũng được 4,1%/năm (kỳ hạn 1 tháng). Nếu nguồn thu này ổn định, nhiều NH sẽ đủ bù đắp cho các khoản miễn phí dịch vụ.