Khi COVID-19 xảy ra, ngành dệt may Việt Nam đối mặt với "cú sốc kép". Đầu tiên, trong tháng 2, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp bị đứt nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải, từ Trung Quốc.
Đến tháng 3, nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ khiến cho thị trường mua sắm gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.
Thời điểm này, chuyển hướng sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập.
|
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trông chờ vào xuất khẩu khẩu trang. Ảnh: Haiquanonline |
Mới đây, Tổng công ty May 10 vừa ký với đối tác 400 triệu khẩu trang y tế giao hàng trong tháng 7. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 còn nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc.
Theo Tổng giám đốc May 10 Thân Đức Việt, các đơn xuất khẩu trang chiếm gần 30% doanh thu của công ty trong năm nay, góp phần đảm bảo đủ việc làm cho gần 12.000 người lao động.
Mời độc giả xem video: Ghi hình, xử lý người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Nguồn: VTC14.
Không chỉ May 10, TNG cũng đã xuất những lô hàng khẩu trang đi châu Âu gần một tháng nay. Hàng triệu chiếc khẩu trang vải nano kháng khuẩn đã có mặt tại Pháp, Bỉ, Đức...
Ngày 6/4, 500 chiếc khẩu trang vải nano kháng khuẩn TNG đã được doanh nghiệp này tặng Sở Cảnh sát thành phố New York (Mỹ). Tuy nhiên, để có "visa" xuất khẩu chính thức sang Mỹ, doanh nghiệp vẫn cần đạt giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng CE, giấy chứng nhận FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm) của Mỹ. Dự kiến tuần này hoặc tuần sau họ sẽ xong các thủ tục này.
Doanh thu tiêu thụ nội địa quý I của TNG đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và khẩu trang là mặt hàng giúp công ty bù đắp chính.
Không dừng lại ở khẩu trang, các doanh nghiệp dệt may còn đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất bộ đồ bảo hộ y tế phòng dịch. Sản phẩm này cũng đang mở ra hướng xuất khẩu tốt cho các doanh nghiệp.