Nhiều ngày im lặng sau lùm xùm Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam bị phanh phui trên mạng xã hội, ông Hoàng Khải - chủ thương hiệu Khaisilk bất ngờ lên tiếng trên truyền thông, nhanh chóng thừa nhận và xin lỗi khách hàng.
Ông thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc. Ông cho rằng đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu, khoảng những năm 90. Nguyên nhân xuất phát từ ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.
|
Ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk. Ảnh minh họa. |
Ông cũng tiết lộ, hiện nay nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk là nhập khẩu 50%. Và ông nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ, thì ông cũng làm thế thôi.
Song trái với mong muốn, lời xin lỗi và trần tình của người đứng đầu một Tập đoàn lớn và lâu năm như Khaisilk bỗng chốc thổi bùng cơn giận dữ của người tiêu dùng và khách hàng bởi họ chỉ thấy ông nhận sai, đổ lỗi cho hoàn cảnh mà không có lời nào thừa nhận đó là hành động lừa đảo, làm ăn gian dối.
Bán khăn Trung Quốc gắn mác Việt Nam có chủ đích trong suốt 30 năm, thu về lợi nhuận khổng lồ bởi chiếc khăn lụa tương tự ở Làng lụa Vạn Phúc hiện có giá chỉ 40.000-50.000 đồng nhưng khi gắn thương hiệu Khaisilk lại đội lên gấp 10, 20 lần… cái đấy gọi là lừa đảo, thưa ông.
Lời thừa nhận của ông chẳng khác nào như cái tát trời giáng vào niềm tin hàng Việt Nam chất lượng Việt Nam của người tiêu dùng. Một sản phẩm vốn là niềm tự hào của thương hiệu Việt, được dùng làm quà biếu, tặng trang trọng cho đối tác, người thân… bỗng chốc trở thành hàng Trung Quốc thì “hậu quả không thể đo đếm bằng tiền, vì uy tín và danh dự của bản thân tôi khi tôi đem sản phẩm đó đi tặng khách hàng đã không còn lấy lại được…” như lời một nạn nhân mua khăn lụa Khaisilk chia sẻ.
|
Dấu vết trên khăn lụa Khaisilk được cho là có sự cắt mác cũ để dập mác mới. |
Cũng có nhiều người khen ông Khải dũng cảm khi thừa nhận sự thật kinh doanh, dũng cảm xin lỗi khách hàng khi mình làm sai, một hành động vốn được đối tác nước ngoài – những người biết đến ông Khải phần lớn từ những thương vụ làm ăn khác chứ không phải lụa – đánh giá cao nhưng đó chỉ là lấp liếm hèn nhát.
Nếu không có cái nhỡ tay của nhân viên cho thêm vào chiếc khăn lụa chưa kịp cắt mác "made in China" vào lô hàng, nếu không bị phát hiện và truy đến cùng, liệu ông có đăng đàn xin lỗi? Khách hàng và người tiêu dùng không chấp nhận được một doanh nhân luôn răn dạy sự tử tế, đạo đức kinh doanh mà lại trắng trợn lừa đảo kéo dài như thế.
Ông nói, trước kia lụa là sản phẩm cốt lõi làm nên thương hiệu riêng của ông và tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi mở rộng phát triển sang các lĩnh vực khác như bất động sản, ẩm thực, du lịch… mảng lụa tơ tằm chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn và ông đã không chú tâm đầu tư phát triển.
“Khi ăn đủ rồi thì bỏ” nhưng thói quen suốt 30 năm thì không thể bỏ được ngày một ngày hai, nhất là khi thói quen ấy vẫn đang mang lại nguồn lợi quá khủng. Cũng có thể nói người tiêu dùng Việt đã may mắn vì ông không còn chú tâm đầu tư phát triển, sự thật mới có dịp được phanh phui.
|
Cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai đóng cửa chiều 26/10 khi đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra. |
Nhưng thưa ông, ngay từ khi ông thừa nhận chuyện nhập hàng Trung Quốc suốt từ những năm 90 về bán dưới thương hiệu Khaisilk xuất xứ từ Việt Nam thì rõ ràng, câu chuyện đã không dừng lại ở những phát ngôn trên báo hay lời xin lỗi nữa mà đã trở thành bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật.
Nếu xác định được Khaisilk gian dối trong một thời gian dài, khối lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường lớn, nếu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và có đủ căn cứ, có thể sẽ khởi tố hình sự và câu chuyện một lần nữa, chắc chắn không dừng lại ở lời xin lỗi.
Đôi khi, bờ đê vững chắc có thể vỡ vì cái tổ kiến nhỏ.