Liên quan đến thông tin khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk gắn cùng lúc hai mác “Made in China” và “Khaisilk Made in Vietnam” khiến dư luận xôn xao những ngày qua, Khaisilk đã có văn bản trả lời khách hàng và cho rằng mẫu khăn 55x55 cm có 2 nhãn là do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng 60 khăn cho Vinacom thấy thiếu 1 chiếc đã lấy ngay chiếc khác trên máy may hiện đang sản xuất cho khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
|
Chiếc khăn gắn cùng lúc hai mác “Made in China” và “Khaisilk Made in Vietnam” khiến dư luận xôn xao. Ảnh: FB Dang Nhu Quynh. |
Trước lý giải của Khaisilk, nhiều độc giả và người tiêu dùng cho rằng, câu trả lời của đại diện Khaisilk mơ hồ và né tránh trực tiếp sự việc. Bên cạnh đó, nhiều người còn vạch ra nhiều dấu hiệu đáng ngờ, khó tin trong câu trả lời này.
Nhầm lẫn khi gắn mác: Không thể tin nổi!
Bình luận trên Facebook, nickname Chiến Văn cho rằng: “Theo giới kinh doanh lụa, nếu đúng là hàng Made in China, chiếc khăn có khổ 50x50 kia chỉ khoảng vài chục ngàn. Nhưng khi là Khaisilk, nó được bán với giá buôn lên tới 644.000 đồng. Mức chênh lệch quá kinh khủng. Ngoài chiếc khăn 2 mác trong đơn hàng vài chục chiếc khăn lụa, nhiều chiếc còn lại cũng bị khách tố là có dấu vết của việc cắt bỏ mác?!?
Tất nhiên, chuyện "động trời" thế thì ông chủ không thể im lặng. Chủ cửa hàng (chưa phải ông Hoàng Khải - Chủ tịch hệ thống) đã giải thích đại ý rằng: Chiếc khăn có 2 mác kia là do đơn hàng này thiếu 01 chiếc, nên nhân viên kho đã... lấy tạm cái do 01 công ty ở HongKong đặt hàng, họ yêu cầu gắn thêm nhãn Made in China!?!
|
Bình luận của nick facebook Chiến Văn. |
Người không hiểu lắm về xuất nhập khẩu, đọc cái lời giải thích ấy chắc cũng không thể... chấp nhận nổi, đừng nói người bị hại. Bởi, nhân viên làm trong hệ thống Khaisilk danh tiếng không bao giờ dám làm ăn tùy tiện kiểu lấy hàng của đơn vị này đặt để bù vào đơn khác được. Chắc chắn họ phải hỏi, được sếp đồng ý, họ mới dám làm!".
Nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự nghi ngờ về lỗi sai "ngớ ngẩn" của nhân viên Khaisilk. Chị Thu Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi mua khăn lụa Khaisilk nhiều lần, đến cửa hàng ở Hàng Gai cũng nhiều nhưng ít khi thấy sự luộm thuộm. Hầu hết mọi sản phẩm đều được bày biện sang trọng, gọn ghẽ. Vì thế, giải thích của hãng này về việc đính mác sai lầm nghe có vẻ không thuyết phục. Hành động này phù hợp với một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ hơn là một thương hiệu lớn như Khaisilk".
Chị Vân cũng đặt câu hỏi: "Nếu sự thật đúng là như thế thì tại sao một thương hiệu lớn và luôn đề cao chất lượng "made in Vietnam" như Khaisilk lại có thể để xảy ra nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy. Vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hỉnh ảnh của sản phẩm Khaisilk?".
Qua đó, nhiều người tiêu dùng khác tỏ ra nghi ngờ về khâu KCS (kiểm tra chất lượng sản phẩm - PV) của hệ thống thương hiệu Khaisilk.
Dấu vết đáng ngờ trên khăn vẫn chưa được lý giải?
Không chỉ nghi ngờ việc nhân viên Khaisilk nhầm lẫn vô lý, nhiều độc giả còn để ý đến những dấu vết đáng ngờ trên những chiếc khăn khác.
Cụ thể, như Kiến Thức đã đưa tin, phản ánh trên mạng xã hội, anh Đ.N.Q. cho biết, ngoài 1 chiếc khăn vẫn còn nguyên 2 chiếc mác, một mác “Made in China” và một chiếc gắn mác “Khaisilk Made in VietNam” thì công ty của người quen của anh còn nghi ngờ 59 chiếc khăn còn lại trong lô hàng mua có dấu hiệu bị cắt tem. Dấu vết còn lại trên những chiếc khăn này là mẩu vải thừa khá nham nhở cùng màu với tem "Made in China" và chỉ còn lại tem Khaisilk Made in Vietnam.
|
Dấu vết trên khăn được cho là có sự cắt mác cũ để dập mác mới? |
Dấu hiệu này được nhiều bạn đọc Kiến Thức lập tức để ý. Chia sẻ quan điểm với Kiến Thức, bạn đọc Nguyễn Anh Sơn (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Cách làm của Khaisilk là dấu đầu lòi đuôi. Một sản phẩm được coi là chất lượng và uy tín như khăn lụa Khaisilk thì chắc chắn khi đến tay người mua sẽ không thể có những lỗi về đường kim mũi chỉ, huống hồ là dấu vết rõ ràng như thế này. Nếu Khaisilk không thừa nhận đây là việc cắt nhãn mác thì chỉ có thể khẳng định, những chiếc khăn lụa Khaisilk này không đảm bảo chất lượng".
"Nếu là hàng lỗi do sơ suất trong quá trình sản xuất thì tại sao rất nhiều nhân viên của Khaisilk lại không nhận ra. Đây không chỉ là lỗi trên một sản phẩm, mà có tới 59 sản phẩm bị "dính". Vậy rất khó để tin rằng đây chỉ là sơ suất thông thường", chị Thu Thủy ở Thanh Xuân, Hà Nội nói.
Bạn đọc Huyền Thu đặt câu hỏi: "Tôi muốn biết sản phẩm được quảng cáo là uy tín và chất lượng như khăn lụa Khaisilk đã trải qua bao nhiêu khâu kiểm duyệt, kiểm tra chất lượng trước khi đến tay khách hàng mà lại để lỗi sơ đẳng như vậy?".
Mập mờ nhãn mác, Khaisilk có phạm luật?
Một chi tiết nữa cũng khiến câu trả lời của đại diện Khaisilk thiếu thuyết phục đó là việc vị này cho rằng chiếc khăn "hai mác" thuộc một đơn hàng do Khaisilk đang sản xuất với số lượng 350 chiếc cho khách hàng Design GO tại Hong Kong. Những chiếc khăn này được đặt may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách vì lý do thủ tục nhập khẩu riêng của khách hàng.
Tuy nhiên, việc làm này của Khaisilk dù cho là theo yêu cầu của khách hàng thì có phạm luật kinh doanh và bị coi là "làm giả nhãn mác"? "Tại sao một sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lại dán nhãn mác Made in China? Rõ ràng đây là sự mập mờ, thậm chí là dối trá", bạn đọc Thu Hằng ở Cầu Giấy chia sẻ khi được Kiến Thức đặt câu hỏi.
Đồng quan điểm với chị Hằng, nhiều người cũng thắc mắc không hiểu tại sao Khaisilk lại cho phép việc đóng dấu mác "trái khoáy" như vậy, dù cho thương hiệu này vốn luôn coi trọng việc xuất xứ sản phẩm là Việt Nam chứ không phải hàng Trung Quốc.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng phân tích khá cặn kẽ sự vô lý trong câu trả lời từ phía Khaisilk. Bày tỏ trên trang Facebook cá nhân, nickname Chiến Văn cho rằng: "Đơn vị đặt hàng mà được cho là đến từ HongKong kia, chắc họ cũng không bao giờ dở đến mức nhập một sản phẩm có 2 nhãn mác, của 2 nước khác nhau để xuất cho một bên thứ 3.... Nếu muốn có mác ấy, thì họ nhập luôn từ China, sau đó tự gắn Khaisilk, có phải tiết kiệm được khối chi phí hay không?”.
Nickname Thế Tường viết: "Giải thích này của Khaisilk đủ để chứng minh Khaisilk đang gian lận thương mại”.
Nickname Lại Hợp Nhân phân tích thêm: "Rõ ràng sản xuất trên máy may ở Việt Nam mà ghi Made in China thì là gian lận nguồn gốc xuất xứ rồi. Riêng khâu này, khách hàng có quyền nghi ngờ rằng các sản phẩm khác gắn tag Made in Việt Nam có thể được sản xuất tại Trung Quốc".
Cũng theo nickname này, nếu Khaisilk thuê Trung Quốc gia công vì giá thành rẻ, nhân công rẻ, thì chả ai dại gì không thuê may luôn mác Việt Nam vào từ đường chỉ đầu. Nhưng nếu là trường hợp này thì Khaisilk sẽ phải chứng minh việc đưa lụa Việt Nam sang cho đối tác Trung Quốc gia công (nếu không muốn phản lại chính mình rằng đang dùng lụa Trung Quốc). Và như vậy, theo facebook Lại Hợp Nhân Khaisilk vẫn mắc phải lỗi “để lọt lô hàng không đủ quy chuẩn”.
|
Bình luận của facebook Lại Hợp Nhân. |
Như vậy, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi đại diện Khaisilk lên tiếng trả lời cho vụ "chiếc khăn được gắn hai mác". Để rộng đường dư luận, Kiến Thức đã liên tục liên lạc với hệ thống Khaisilk nhiều lần. Song, theo lời nói của nhân viên cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai Hà Nội - nơi diễn ra sự việc khách hàng phản ánh - thì "quản lý cửa hàng đang nghỉ phép".
Trong khi đó, sau rất nhiều lần liên lạc, Kiến Thức nhận được lời hẹn "sẽ trả lời sau" của nhân viên Khaisilk có trụ sở tại 101 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM. Mọi cố gắng của Kiến Thức nhằm liên lạc được với ban lãnh đạo của Khaisilk đều không được đáp ứng.
Kiến Thức sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc trong những bài tiếp theo...