Liên quan đến thông tin một khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk gắn cùng lúc hai mác “Made in China” - “Khaisilk Made in Vietnam” và 59 chiếc khăn còn lại thì phát hiện vết tích của việc cắt mác “Made in China” khiến dư luận xôn xao những ngày qua, chiều ngày 25/10, doanh nhân Hoàng Khải - ông chủ thương hiệu Khaisilk đã thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng “lời xin lỗi” của ông chủ thương hiệu Khaisilk chỉ là cách lựa chọn thông minh trước sự cố. Bởi trước đó, đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - nơi bán lô hàng trên đã khẳng định, các mẫu khăn này đều thuộc thương hiệu Khaisilk và được làm từ 100% lụa tơ tằm.
|
Doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Ảnh: FB Hoàng Khải. |
Trên dưới đá nhau
Cụ thể, theo câu trả lời trên Zing, ông chủ thương hiệu Khaisilk nhận định “sau khi mở rộng phát triển sang các lĩnh vực khác như bất động sản, ẩm thực, du lịch… mảng lụa tơ tằm chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn và ông đã không chú tâm đầu tư phát triển.
Trong khi đó, việc mở rộng nhanh sang nhiều lĩnh vực cũng như tầm hoạt động khắp Bắc - Trung - Nam cũng khiến ông chủ thương hiệu này lúng túng trong khâu quản lý, đặc biệt là mảng kinh doanh lụa tơ tằm không còn được như ban đầu, thậm chí lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát.”
Thế nhưng sau đó, cũng trong “lời xin lỗi” này ông lại nhấn mạnh, dù là hàng nhập từ Trung Quốc, nhưng lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Bởi tất cả các hàng bán ở Khaisilk chính tay ông Khải phải quyết định mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.
Chỉ với câu nói này ông chủ Khaisilk đã tự lộ bản chất khi “tiền hậu bất nhất”. Bởi nếu đã do ông tự mình quyết định mẫu thì không thể nói là lơ là thiếu kiểm tra, giám sát đến nông nỗi hàng tàu cũng lẫn lộn vào.
“Một đằng thì nói là do không giám sát kĩ, một đằng thì kêu chính tay kiểm tra chất lượng. Chung quy lại là ông đã lừa người Việt Nam bao năm nay. Dù xin lỗi nhưng lại một phần bào chữa cho sự dối trá.” – bạn đọc Đỗ Huy Tùng bức xúc.
“Rõ ràng là gian lận thương mại”
Cũng trong phần trả lời phỏng vấn trên Zing, ông Hoàng Khải cho biết đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước. Trong khi đó nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn.
Ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về. Khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng như Zara, H&M, Gucci… đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.
"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải chia sẻ.
Ông Hoàng Khải cũng thừa nhận, lẽ ra tại cửa hàng phải có “Khaisilk made in Việt Nam” và “Khaisilk made in Trung Quốc”, chứ không thể đánh lận con đen.
Trước phần lý giải của ông chủ thương hiệu Khaisilk, nickname John Nguyen Minh Anh cho rằng, ông Khải chẳng qua chỉ lấp liếm. Trường hợp OEM thì bên cạnh thương hiệu trên sản phẩm thì luôn có tem đề rõ là xuất xứ Trung quốc. Còn việc ông Khải mua hàng làm sẵn về rồi cắt tem xuất xứ đi và gắn thương hiệu của mình vào là gian lận thương mại rõ ràng, không thể đánh đồng với OEM.”
|
nickname John Nguyen Minh Anh cho rằng: “ông Khải vẫn chưa thành thật hoàn toàn." |
Hơn nữa, nickname Đoàn Hiếu Minh, việc cắt mác của Trung Quốc rồi dán mác Việt Nam không thể nói là không quản lý sát sao và thiếu nhận thức, đặc biệt là đối với doanh nhân lão làng như ông Hoàng Khải. “Anh đã dũng cảm đương đầu với khủng hoảng, thì nếu chân thành hơn thì anh sẽ có rất nhiều người đồng cảm và ủng hộ hơn. Cố gắng anh nhé, vì anh là đàn anh của thế hệ bọn em!”, nickname Đoàn Hiếu Minh viết.
Chỉ người mua lầm chứ người bán không lầm
Ngoài ra, theo quan điểm của nickname Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, “Từ những năm 90, mình làm bộ là 1997 đi, thì anh có 20 năm lừa khách hàng cho đến ngày bị phát hiện. Xin lỗi, anh nói khó phân biệt được lụa nguồn gốc từ đâu, thì tự vỗ mặt cái thương hiệu Khaisilk của anh rồi. Đến người buôn hàng còn biết hàng này từ China hay từ Hongkong khác nhau gì cơ mà, huống gì anh đi từ khâu sản xuất.
Ông bà xưa nói, người mua lầm chứ người bán không lầm. Từ lâu mình luôn ngơ ngác nghĩ: tại sao phải trả giá đắt thế cho cái khăn chất bình thường, thua hàng Việt Nam, chỉ vì nó được bán trong cái cửa hàng sang chảnh đó?”
Mặt khác theo nhiều bạn đọc, việc biến khăn Trung Quốc thành Khaisilk móc túi khách trong thời gian nhiều năm như vậy khiến khách hàng có cảm giác bị lừa dối. Độc giả cho rằng việc lừa dối này đã vi phạm luật pháp và cần được xử lý.
"Ồ giờ thừa nhận là nhập rồi nhé. Vậy là giả xuất xứ, lừa đảo người tiêu dùng. Ôi thật kinh tởm. Vậy là suốt bao nhiêu năm nay họ đã lừa đảo một cách bẩn thỉu và đê tiện như thế. Cái này là làm hàng giả, quy mô lớn là hình sự đúng không?. Các cơ quan chức năng sao vẫn còn ngồi im như vậy????? Bao nhiêu năm qua, quản lý thị trường làm cái gì? Công an kinh tế làm cái gì mà để gian thương lộng hành như vậy???" , nickname Bạch Hoàn bình luận.
Cũng theo nhiều độc giả, việc thừa nhận và xin lỗi của ông chủ Khaisilk chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ, bởi đơn giản là không còn cách nào "chối tội". Lời xin lỗi chân thành và thực tâm nó phải khác hoàn toàn.
Có lẽ, đứng giữa tâm bão, ông chủ này đã lựa chọn một cách xử lý rất khôn ngoan, giúp cho Khaisilk có thể vượt qua sự cố. Thế nhưng, làm người kinh doanh nhiều năm, chắc ông chủ Khaisilk cũng hiểu rõ chữ tín mới là số 1. Một khi đã lừa đảo thượng đế thì thương hiệu của Khaisilk cũng đã trở thành hàng chợ mất rồi.