Công ty CP Tập đoàn KIDO (KIDO, mã: KDC) mới đây công bố thông tin đã nhận được quyết định về việc xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế trong 3 năm 2020, 2021 và 2022.
Theo đó, KIDO bị phạt hơn 3,2 tỷ đồng về hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Cùng đó, KIDO phải nộp bổ sung: Thuế thu nhập doanh nghiệp gần 12 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng hơn 1,9 tỷ đồng và thuế thu nhập cá nhân gần 2,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đóng thêm tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỷ đồng. KIDO được giảm số thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ thuế tháng 12/2022 là 142,7 triệu đồng. Tổng số tiền KIDO bị phạt và truy thu thuế là gần 21 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Tập đoàn KIDO được thành lập ngày 06/09/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán thực phẩm, dầu nguyên liệu và quản lý các khoản đầu tư vào các công ty con. KIDO có địa chỉ trụ sở chính tại số 138 -142 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật công ty là ông Trần Kim Thành. Cổ phiếu KDC của KIDO được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vào ngày 18/11/2005.
Về “sức khỏe” tài chính, theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023, KIDO ghi nhận đạt 4.367 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022 (ở mức 6.342 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 43,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 lên mức 1.224 tỷ đồng, góp phần giúp lợi nhuận sau thuế của KIDO đạt 564 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm 2022 (339 tỷ đồng). Lãi ròng tăng 91% lên 599 tỷ đồng nhờ nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư tài chính.
|
Khai sai, bị phạt và truy thu thuế gần 21 tỷ đồng, lợi nhuận KIDO thế nào? (ảnh minh họa: Internet). |
Tại thời điểm 30/6/2023, quy mô tài sản của KIDO là 12.870 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với cùng kỳ (14.004 tỷ đồng). Trong đó, khoản tiền, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu đạt 1.864 tỷ đồng; công ty đầu tư khoảng 520 tỷ đồng vào trái phiếu. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là hơn 7.756 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (7.052 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nợ phải trả của KIDO là 5.113 tỷ đồng, giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (6.952 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là 4.047 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn chiếm 2.666 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2023, KIDO đã phải chi trả hơn 155 tỷ đồng tiền chi phí lãi vay, con số này cùng kỳ năm 2022 là 101 tỷ đồng.
Trong kỳ, KIDO đã tái cơ cấu trong hoạt động đầu tư như thoái vốn các khoản đầu tư Calofic, KIDO Foods và đầu tư mới vào mảng bánh Thọ Phát. Theo đó, tại ngày 22/8/2023, KIDO đã hoàn tất việc mua 29,8 triệu cổ phần phổ thông, tương đương nắm 51% giá trị cổ phần tại công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát. Theo kế hoạch, công ty sẽ tiếp tục nâng sở hữu lên hơn 70% trong quý III/2023.
Trong diễn biến khác, KIDO đã trở lại đường đua ngành bánh trung thu năm 2023. Bánh trung thu KIDO’s Bakery đã ra mắt thị trường từ đầu tháng 8/2023 và được phân phối trên tất cả các kênh phân phối tích hợp của Tập đoàn KIDO gồm 450.000 điểm bán ngành thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh. Theo tiết lộ từ KIDO, sản lượng tiêu thụ bánh trung thu năm nay đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ và vượt 10% kế hoạch đề ra.
Trước đó, Tập đoàn KIDO dự kiến tung ra thị trường 450 tấn bánh, tăng 50% sản lượng so với cùng kỳ, đồng thời đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh trung thu theo công nghệ Nhật. Tập đoàn thực phẩm đặt mục tiêu nắm giữ vị trí số 2 thị trường trung thu vào năm 2025.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, giá cổ phiếu KDC ở mức 64.200 đồng/cổ phiếu, giảm 0,31% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh là hơn 594 nghìn đơn vị. Đặc biệt, trong 14 phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu KDC không ghi nhận bất kỳ một phiên giao dịch tăng điểm nào (chỉ đứng yên và giảm nhẹ).