Trả lời VTCNews bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho hay, gian lận về xuất xứ được cảnh báo từ rất lâu, đặc biệt từ sau khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu.
Theo ĐBQH đoàn Hà Nội, càng ngày Việt Nam càng có nguy cơ đối diện với tình trạng này nhiều hơn. Hệ lụy của thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng đến Việt Nam lớn nhất chính là việc gian lận xuất xứ hàng hóa.
|
ĐBQH Hoàng Văn Cường. |
“Sau khi Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng của Trung Quốc, rất có thể Trung Quốc sẽ thông qua Việt Nam, biến các mặt hàng của họ thành hàng Việt Nam xuất sang Mỹ để trốn thuế. Đây là điều được cảnh báo từ rất lâu, Nhà nước và Chính phủ nhìn thấy trước việc này và có các biện pháp cương quyết. Tuy nhiên, thực tế việc này vẫn cứ xảy ra và chắc chắn gây nên những hậu quả nghiêm trọng”, đại biểu Hoàng Văn Cường bình luận.
Đánh giá về những thiệt hại của hàng Việt trước tình trạng này, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chỉ riêng việc hàng hóa nước ngoài tràn vào lấy mác hàng nội gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, việc đưa một thứ hàng hóa không đúng xuất xứ sang một thị trường có sự kiểm soát chặt chẽ như Mỹ là mạo hiểm.
“Nếu phát hiện lô hàng không đúng xuất xứ, Mỹ sẽ có những biện pháp xử lý nặng nề đối với Việt Nam khi để lọt hàng hóa. Và chắc chắn họ sẽ có những biện pháp "trừng phạt" đối với Việt Nam. Đó sẽ là hậu quả nặng nề, nghiêm trọng”, ông Cường nhấn mạnh.
Vị Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, việc kiểm soát gian lận thương mại trong nguồn gốc xuất xứ hàng hóa cần được tăng cường quyết liệt.
“Khi chúng ta mở rộng quan hệ thương mại ra các nước thì đặc biệt cần phải ngăn chặn việc lợi dụng các quan hệ này để đưa hàng hóa gắn nhãn mác nhằm đội lốt xuất xứ hàng Việt đi xuất khẩu. Đây là điều cần triển khai quyết liệt kể cả hệ thống kiểm soát của Chính phủ cũng như ý thức trách nhiệm của cá nhân người dân và doanh nghiệp”, ông Cường nói.
Về giải pháp để giải quyết thực trạng, theo ông Hoàng Văn Cường, bản thân Nhà nước phải đưa ra các quy định. “Ví dụ ở một số cảng lớn hiện có nhiều hoạt động lưu chuyển hàng hóa thì việc tạm nhập tái xuất một số mặt hàng đang được dừng lại để tránh nguy cơ hàng có thể tạm nhập vào mà không tái xuất”.
Theo ông Cường, đây được xem là một trong những giải pháp cụ thể: “Cần đưa ra các biện pháp để kiểm soát thị trường. Những hình thức hàng hóa nhập khẩu Việt Nam có nguy cơ bị giả mạo thì cần được ngăn chặn ngay. Ngoài ra, bản thân những nhà sản xuất, xuất khẩu cũng phải tham gia vào việc này để phát hiện, sàng lọc những mặt hàng có dấu hiệu gian lận".
Cuối cùng, điều quan trọng nữa theo vị ĐBQH là việc đối diện và công khai kiểm soát các sự vụ liên quan đến việc vi phạm xuất xứ hàng hóa.
“Cần minh bạch để làm bài học cho doanh nghiệp và cũng để cảnh báo các doanh nghiệp đang có ý định gian lận. Đồng thời để chỉ ra cho các người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng phát hiện, nắm bắt được những mánh khóe, âm mưu của những kẻ gian lận xuất xứ. Việc xử lý cũng không được né tránh. Nếu không xử lý cương quyết đối với các doanh nghiệp đang vi phạm gian lận xuất xứ thì hệ quả không chỉ gây ảnh hưởng đối với sản xuất trong nước mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu Hoàng Văn Cường cảnh báo.
Sáng 3/11, xác nhận với VTC News, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn xác nhận về lô hàng hơn 7 tấn gồm gối, nệm cao su và chăn nhập khẩu từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam vừa bị Hải quan TP.HCM bắt giữ.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, lực lượng cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ để có biện pháp xử lý theo pháp luật đối với lô hàng này.
Cuối tháng 10, lực lượng hải quan cũng phát hiện và bắt giữ gần 2 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD giả mạo danh nghĩa hàng Việt để sang Mỹ. Kho nhôm được xác định là của Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam (trụ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu) - chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất nhôm định hình.
Đây là dự án có công suất 200.000 tấn/năm do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Australia là ông Jacky Cheung và ông Wang Tong rót vốn 5.000 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD). Toàn bộ sản phẩm nhôm của nhà máy được xuất khẩu.