Hàng giả, nhái tung hoành dịp cận Tết

Google News

Những lọ mỹ phẩm từ nước hoa, sơn móng tay, dầu gội đến các loại bánh kẹo mứt đổ đống ở vỉa hè được quảng cáo “hàng xách tay” với giá chỉ vài chục ngàn đồng/món đổ bộ tại nhiều chợ Tết ở TPHCM.

“Hàng ngoại” giá bèo

Chiều 11/1, tại chợ Bàn Cờ (quận 3), chúng tôi choáng ngợp bởi cả trăm loại mỹ phẩm, quần áo, túi xách… được đổ đống ngay dưới lòng chợ chỉ có giá vài chục ngàn đồng/sản phẩm, khách đi chợ chen nhau lựa mua.

Tại một nhà dân trong khu chợ, trước thềm nhà chỉ với diện tích khoảng 1m2 nhưng có đủ các loại mỹ phẩm được giới thiệu là “hàng xách tay”, bán đồng giá 35.000 đồng/món.

“Tất cả là mỹ phẩm Hàn Quốc chính hãng do người nhà về Việt Nam ăn Tết đem theo nên chị cứ yên tâm. Hàng giá rẻ do “mua tận gốc, bán tận ngọn”, không qua khâu trung gian. Em còn cung cấp sỉ cho người bán online, chị có nhu cầu bán thêm dịp Tết có thể liên lạc với em”, chủ hàng chào mời.

Hang gia, nhai tung hoanh dip can Tet

Bánh kẹo ngoại bán ở vỉa hè không có bất cứ thông tin nào bằng tiếng Việt với giá chỉ vài chục ngàn đồng/gói. Ảnh: U.P

Quan sát những thỏi son được quảng cáo “son không trôi”, chúng tôi ngửi thấy mùi hăng hắc rất khó chịu. Các sản phẩm chỉ có những dòng chữ Trung Quốc bé xíu không thể nhìn rõ. Ngoài ra còn có những mỹ phẩm mang thương hiệu ngoại như Lancôme, CK, 3CE… mà người bán cam kết miệng là… hàng thật 100%.

Trong khu chợ này, chúng tôi cũng dễ dàng tìm mua các loại túi xách, giày dép, đồng hồ, sữa tắm, dầu gội đầu… bày la liệt dưới đất. Các mặt hàng này để chung với... xoong nồi, ly chén.

“Ngày thường tôi bán dụng cụ nhà bếp nhưng gần Tết có thêm mỹ phẩm, thời trang. Có một số đầu mối cung ứng hàng, một số ký gửi, bán được mới trả tiền nên mình cũng không mất gì, lại có thêm hoa hồng. Hàng thật hay giả sao mình biết được, nhưng nhiều người đã mua xài chưa thấy phàn nàn gì” , bà T (tiểu thương bán hàng) nói.

Hang gia, nhai tung hoanh dip can Tet-Hinh-2

Mỹ phẩm, thời trang mang tên thương hiệu nổi tiếng bán với giá chỉ từ 35.000-50.000 đồng/sản phẩm. Ảnh: U.P

Ở nhiều tuyến đường như An Dương Vương (quận Bình Tân), Bà Hom (quận 6), trước khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Bình), khu chế xuất Tân Thuận (quận 7)… nhiều người còn bày đủ các loại bánh kẹo, socola ngoại chào mời khách mua.

“Đắt hàng nhất năm nay vẫn là bánh bông lan phô mai tan chảy của Hồng Kông, socola Pháp, mứt chà là, nho Mỹ… Nhiều người mua rồi gói thành giỏ quà Tết, sang trọng mà giá cực rẻ, chỉ tầm 200.000 đồng là có đầy đủ”, bà Thi (bán hàng trên đường Trần Văn Giàu, quận Bình Tân) tiết lộ.

“Thấy nhiều sản phẩm Tết ngon lại hợp túi tiền, tôi đã mua về làm quà cho các con và dành đón khách mấy ngày Tết. Tôi cũng hỏi nơi sản xuất, hạn sử dụng nhưng người bán cho biết hàng nhập ở nước ngoài, hạn còn tới 6 tháng. Lương công nhân cuối năm rất eo hẹp, có chút bánh mứt Tết là vui rồi” , chị Hoài Thương (công nhân may ở huyện Bình Chánh) nói.

Cuộc chiến gian nan

Mới đây, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cục QLTT TPHCM bắt quả tang 5 kho chứa và xưởng sản xuất ở huyện Bình Chánh đang pha chế hàng chục nhãn hiệu dầu gội, sữa tắm giả các thương hiệu nổi tiếng như X-men, Romano, Enchanteur, Clear, Pantene, Head & Shoulder... bằng công nghệ “xô chậu”.

Lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng lớn các loại thuốc làm đẹp, giảm cân, kem dưỡng da các nhãn hiệu khác nhau. Bà H. (chủ kho hàng) cho biết, cơ sở chủ yếu làm theo đơn đặt hàng ở TPHCM và các tỉnh, bỏ mối tại các chợ, và bán trên nền tảng thương mại điện tử facebook, zalo có tên “Phạm Huỳnh”.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM khẳng định, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bán ở khắp nơi, kể cả chợ truyền thống, trung tâm thương mại…

“Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái… gặp rất nhiều cam go do website giả, trang thương mại điện tử bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn với nhau” - ông Khuê nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan cho biết: “Vấn nạn buôn bán vận chuyển hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng”.

Theo ông Ổn, một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước. Tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng.

Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ QLTT, những thời điểm như cuối năm, cận Tết, đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu có dấu hiệu tăng cao nhưng mức phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm kinh doanh hàng giả hiện nay còn quá thấp (tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân, tối đa 500 triệu đồng đối với tổ chức). Trong khi kinh doanh hàng giả thu siêu lợi nhuận nên mức phạt này thực tế chưa đủ sức răn đe.


Theo Uyên Phương/ Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)