Cư dân chung cư "hãi hùng"
Mới chỉ một tuần trở lại đây, người dân ở Thủ đô Hà Nội đã liên tục phải chịu đựng những dư chấn rung lắc mạnh từ 3 trận động đất. Gần nhất là vụ động đất xảy ra ở tỉnh Cao Bằng vào lúc 1h18 phút (giờ GMT), tức 8h18 phút ngày 25/11 (giờ Hà Nội), tại tọa độ 22.852N-106.618E, độ lớn 5.4 (Richter), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km đã khiến một số khu vực ở Hà Nội bị ảnh hưởng.
Việc Hà Nội liên tục ảnh hưởng từ động đất khiến người thắc mắc, sống ở chung cư có nguy hiểm hay không?. Chung cư cao tầng ở Hà Nội liệu chịu được động đất ở cấp mấy?.
|
Các tòa nhà, chung cư cao tầng ở Hà Nội "mọc" lên ngày càng nhiều. |
Chia sẻ với PV Kiến Thức về những lo lắng khi phải liên tục chịu dư chấn từ động đất, anh Nguyễn Thanh Hà (32 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Sáng ngày 25/11, lúc xảy ra rung lắc tôi đang ở trong nhà. Mới đầu, người tôi cảm tưởng bị xoay xoay rồi chóng mặt, sau một lúc thì tôi mới biết là bị ảnh hưởng bởi động đất. Tôi thấy, hiện nay, Hà Nội đang có rất nhiều tòa nhà, chung cư cao tầng, cũng không biết động đất có gây ảnh hưởng như thế nào đến các chung cư hay không, nhưng thú thực bản thân tôi đang cảm thấy rất lo lắng”.
Tương tự, chị Nguyễn Quỳnh Anh (38 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Gia đình tôi sống trên tầng 14 của một chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy. Cả hai trận động đất xảy ra vừa rồi khiến Hà Nội bị dư chấn rung lắc, mọi người trong nhà tôi đều cảm nhận rất rõ rệt. Thời điểm rung lắc, mọi vật dụng trong nhà dường như chao đảo rất mạnh, rèm cửa sổ thì đu đưa… Lúc đấy, mọi người chỉ biết hô nhau nhốn nháo chạy xuống phía dưới để ra khỏi chung cư. Nếu cứ tiếp tục ảnh hưởng từ động đất như thế này không biết tòa chung cư có bị làm sao không?”.
Chung cư hiện đại ở Hà Nội chịu được động đất đến cấp 8
Liên quan đến những lo lắng của người dân đang sống trong các tòa nhà nhà, chung cư tại Hà Nội trước rung lắc từ động đất, chia sẻ với một số cơ quan truyền thông, ông Hoàng Quang Nhu - Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay: "Hiện Hà Nội đã có bản đồ phân vùng động đất đến từng phường, để các công trình xây dựng dễ dàng thiết kế theo quy chuẩn. Sở Xây dựng Hà Nội là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở cũng như kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thiết kế công trình".
Vị lãnh đạo Cục Quản lý hoạt động Xây dựng còn cho biết, đối với các tòa chung cư, chủ đầu tư thiết kế có nghĩa vụ tuân thủ các quy định, nhất là các công trình có nguy cơ gây thảm họa lớn khi xảy ra động đất như chung cư cao tầng, trung tâm thương mại theo quy chuẩn mà Bộ Xây dựng ban hành. Hiện, tòa nhà cao tầng hiện đại có thể chịu động đất cấp 8.
Tuy vậy, vị Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động Xây dựng cũng tỏ ra lo lắng, nguy cơ thiếu an toàn cao đối với hàng trăm chung cư cũ hiện đã quá hạn sử dụng, xuống cấp.
Trong khi đó, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) - ông Trần Chủng nhấn mạnh với báo giới rằng, vị trí địa lý của Việt Nam không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương nên khả năng không gặp phải những trận động đất mạnh như ở Nhật Bản hay Indonesia.
Hiện Nhà nước đã ban hành quy chuẩn về xây dựng, trong đó động đất đã được tính toán. Những chung cư, toà nhà cao tầng và công trình xây dựng được khoanh vùng ở Hà Nội khá chi tiết về khả năng xảy ra động đất của từng vùng, từng quận, thậm chí là đến từng phường.
Như vậy, từng công trình nằm trong các vùng động đất khác nhau sẽ được tính toán và thiết kế theo đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng để có khả năng kháng chấn tốt nhất.
Đối với những tòa nhà hiện đại được xây dựng mới hiện nay thì hoàn toàn có thể yên tâm về khả năng chống chịu động đất.
Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình chia sẻ thêm, khi xảy ra động đất, người dân phải hết sức bình tĩnh, tìm chỗ nấp an toàn chờ cho đến khi hết rung lắc rồi mới di chuyển ra khỏi tòa nhà chứ không được hốt hoảng.
Việt Nam rung chấn do động đất ở Lào và Thái Lan - Video: VTC1.