Sập bẫy góp vốn kiếm lãi suất cao
Theo thông tin từ Báo điện tử Tiền Phong, một cán bộ Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an quận Hà Đông cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của người dân đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính chính PFS (tại tòa Galay Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội), liên quan đến hình thức kêu gọi đầu tư góp vốn kiếm lãi suất cao.
Cụ thể, bà N.T.N (54 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào đầu năm 2023, bà mang 5 tỷ đồng tiền tiết kiệm đi gửi tại một ngân hàng ở phố Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Khi bà đến ngân hàng, một nhân viên ngân hàng tên T. đề nghị bà chia đôi số tiền để gửi tại một công ty tài chính “thân quen” với lý do lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng và khách muốn rút lúc nào cũng được.
Sau đó, người này đưa bà N đến gặp ông Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Tài chính PFS (gọi tắt Công ty PFS). Tại đây, ông Nam cam kết sẽ trả lãi 6%/tháng trên tổng số tiền gửi. Tiền lãi sẽ được trả đều hằng tháng đồng thời cho phép bà N rút tiền bất cứ lúc nào.
|
Các nhà đầu tư kéo đến trụ sở của Cty Cổ phần Đầu tư Tài chính PFS để đòi tiền |
“Lúc đó, nhân viên ngân hàng T cam kết chắc chắn nên tôi đã góp 2,7 tỷ đồng và 10.000 USD với công ty. Nhưng họ đưa ra hợp đồng có nội dung hợp tác kinh doanh. Tôi có thắc mắc vì sao lại để nội dung này, ông Nam giải thích để thuận tiện giao dịch, quan trọng tiền lãi và gốc trả đúng cam kết là được. Nghĩ bản thân chỉ góp 1-2 tháng rồi rút xây nhà nên tôi cũng không truy kỹ nữa”, bà N kể.
Từ khi ký hợp đồng, phía Công ty PFS không trả lãi theo cam kết. Mòn mỏi chờ đợi, bà N đến công ty thì mới tá hỏa phát hiện nhiều trường hợp đang mắc kẹt tương tự. “Tôi xin rút lại số tiền, nhưng đến nay đều không thể được. Bây giờ tôi gọi điện, nhắn tin, ông Nam còn không nghe máy, trả lời”, bà N nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính PFS được thành lập vào tháng 12/2020. Công ty PFS đưa ra mức thưởng vô cùng hấp dẫn cho những người giới thiệu. Người giới thiệu được nhà đầu tư tham gia góp từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ được thưởng 5% tổng số tiền và nhận mức lương 50 triệu đồng/tháng. Còn từ 1 tỷ đồng đến dưới 2 tỷ đồng, mức hoa hồng là 3,5%, lương 15 triệu đồng/tháng…
Trong thực tế, đã có không ít vụ án liên quan đến hành vi lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn trái phép, kêu gọi đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, giao dịch tiền ảo, đầu tư dự án bất động sản… điển hình như: vụ liên kết Việt gây thiệt hại hơn 1900 tỉ đồng; Gold times gây thiệt hại 900 tỉ đồng; Bigbuy 24h gây thiệt hại 500 tỉ đồng…
|
Cơ quan công an thi hành quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thị Lệ Nhi, Giám đốc công ty TNHH TMDV Queenlad về hành vi kêu gọi ủy thác đầu tư vào sàn FVP Trade, chiếm đoạt hơn 16 tỷ đồng. |
Nhận diện dấu hiệu lừa đảo
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có những khuyến cáo về dấu hiệu nhận biết mô hình kinh doanh thu hút đầu tư kiểu Ponzi, xuất hiện trong các vụ việc trên.
Cụ thể, trong mô hình Ponzi, nhà đầu tư được chào mời tham gia các dự án đầu tư với lãi suất hấp dẫn, tỷ lệ hoàn vốn cao. Thực tế tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư sinh ra lợi nhuận để trả lãi thì lại được dùng đề trả cho nhà đầu tư trước đó và bản chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào.
Mô hình Ponzi được nhận diện qua một số dấu hiệu như: kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất cao ngất (có thể lên đến 100 - 150%/năm); cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định (thông qua ký kết hợp đồng); khó rút vốn (để hạn chế người tham gia rút vốn khi đến hạn các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn).
Trường hợp người dân được mời chào tham gia các doanh nghiệp, dự án có các dấu hiệu nêu trên, hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo theo mô hình Ponzi, thì phương thức khôn ngoan nhất là tham khảo tư vấn từ các chuyên viên pháp lý hay luật sư để đảm bảo không rơi vào cạm bẫy “góp vốn kiếm lãi suất cao”.
Cảnh giác trước "bẫy" lãi suất cao
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng xã hội làm cho các tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo gia tăng mạnh. Các đối tượng thường khai thác vào 2 điểm yếu chính của các nạn nhân, đó là lòng tham và sự thiếu hiểu biết. Mặt trái của nó chính là việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự phát triển của công nghệ số để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hoạt động huy động vốn trái phép.
Người tham gia bỏ tiền mở tài khoản ảo hoặc mua các gói đầu tư trên website do các đối tượng lập ra với những lời hứa hẹn có cánh sẽ được hưởng lãi suất rất cao, thời gian thu hồi vốn nhanh.
Mặc dù cơ quan chức năng, báo, đài liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu thức nhưng số lượng người tham gia các loại hình này vẫn không ngừng gia tăng, quy mô các vụ việc bị phát giác vụ sau cao hơn rất nhiều lần các vụ việc trước.
Hệ quả để lại là tiền đầu tư của người dân bị chiếm đoạt, tình hình trật tự an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn, hoạt động huy động vốn thông qua các kênh được pháp luật thừa nhận, cho phép hoạt động bị ảnh hưởng rất lớn.
Chia sẻ trên báo Kinh tế và Đô Thị, luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, người dân cần nâng cao cảnh giác, không ham lãi suất cao vì chẳng có một khoản đầu tư nào có thể sinh lời một cách bất thường. Bên cạnh đó, khi cho vay mượn tiền hay đầu tư góp vốn kinh doanh cũng cần ghi rõ mục đích của việc cho vay hay đầu tư góp vốn, tránh ghi chung chung đến khi bị lừa đảo lại rất khó xử lý các đối tượng. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 yếu tố, đó là có hành vi gian dối và chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng khuyến cáo, các nhà đầu tư, người dân tham gia hợp tác kinh doanh phải tỉnh táo, rủi ro đi liền với lợi nhuận. Nhà đầu tư cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, thái độ, các dự án, sản phẩm, thị trường của DN trước khi đầu tư. Nhà đầu tư phải xem xét về nguy cơ, khả năng trả nợ của DN. Nếu không đủ tiền để trả lãi, không cân đối được dòng tiền, DN có thể bị sập bất cứ lúc nào.
Theo quy định tại Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.