Vô vàn "chiêu trò" tạo lòng tin
Dễ thấy, các nhà đầu tư hiện nay đa phần là những người có trong tay một khoản tiền nhàn rỗi nhất định, với tâm lý muốn khoản tiền của mình sinh lời nhiều nhất có thể. Do đó, họ thường không tìm đến ngân hàng để gửi tiết kiệm lấy lãi (do lãi suất được cho rằng quá thấp) mà sẽ tìm kiếm các hình thức đầu tư khác sinh nhiều lợi nhuận hơn.
Từ đó, loại doanh nghiệp hoạt động với hình thức “đầu tư nhỏ lợi tức lớn” ra đời, với cam kết về việc khách hàng “đầu tư” vào các gói tiền X, sau một khoảng thời gian nhất định sẽ nhận lại số tiền Y có thể cao hơn 150%, thậm chí hơn 300% số tiền X.
Một số doanh nghiệp đang hoạt động với mô hình này hiện nay có thể kể đến như Công ty Cổ phần tập đoàn Bank Land, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản DH Group, Công ty Bất động sản Nhật Nam, Công ty Cổ phần Truyền thông Và Tổ chức Sự kiện Tâm Lộc Phát…
|
Tung ra con số lợi nhuận lớn là bước đầu tiên kể lôi kéo sự chú ý của các nhà đầu tư |
Thông thường, với một đề xuất tốt như vậy thì các nhà đầu tư sẽ có sự đề phòng, bởi lẽ “chẳng ai cho không ai cái gì”. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất cao tay khi đưa ra hàng loạt những chiêu bài để làm giảm sự đề phòng của nhà đầu tư, từ đó dễ dàng dẫn dắt các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra.
Một trong các chiêu trò thường thấy là doanh nghiệp sẽ thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội nghị với số lượng khách mời lên đến hàng chục, hay hàng trăm người. Với mỗi sự kiện như vậy, số tiền phải chi trả không hề thấp, thế nhưng, lại đạt được hiệu quả lớn bởi các nhà đầu tư sẽ nhìn vào các sự kiện để đánh giá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.
Kèm với việc liên tục tổ chức sự kiện, doanh nghiệp cũng vẽ ra những viễn cảnh phát triển vượt bậc. Những định hướng như: trở thành top 10 tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, mở thêm chi nhánh tại nước ngoài, phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu, tạo dựng cộng đồng nhà đầu tư phát triển… thường xuyên được các doanh nghiệp này sử dụng để quảng bá hình ảnh, phần nào tác động đến tâm lý các nhà đầu tư.
Chiêu bài tiếp theo được bày ra, đó là liên tục khuyến mại hay ưu đãi giảm giá cho các gói đầu tư. Các ưu đãi này có thể là giảm 10% gói đầu tư mà vẫn giữ nguyên giá trị nhận về, hoặc gia tăng % lợi nhuận của gói X nào đó… Đặc điểm chung của chúng là đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nếu nhà đầu tư bỏ qua sẽ mất rất nhiều quyền lợi. Các chương trình khuyến mại, ưu đãi này cũng diễn ra gần như liên tục, “mưa dầm, thấm lâu”, khiến các nhà đầu tư khó mà không chú ý.
Liên tục khai trương, mở thêm các văn phòng đại diện tại các vùng, tỉnh thành cũng làm gia tăng sự yên tâm của các nhà đầu tư khi bỏ tiền vào các doanh nghiệp này. Nhiều nhà đầu tư khi thấy doanh nghiệp có tới cả chục văn phòng đại diện rải rác khắp cả nước thì cho rằng doanh nghiệp có tiềm lực lớn và phát triển mạnh mẽ. Thế nhưng, các nhà đầu tư lại không biết rằng việc mở thêm văn phòng đại diện là rất dễ dàng.
|
Tổ chức nhiều sự kiện để tạo ấn tượng về năng lực tài chính lớn mạnh |
Khi thành lập doanh nghiệp, sử dụng những từ ngữ như “Tập đoàn” khi đặt tên, đăng ký hàng loạt ngành nghề kinh doanh khác nhau cũng là một cách khiến các nhà đầu tư nhầm tưởng rằng doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chiêu bài "nặng đô" hơn của các doanh nghiệp này, là đưa ra những tài sản có giá trị cao như bất động sản hay cổ phần để “đối ứng” cho khoản đầu tư. Với mức tham gia đầu tư càng cao, thì tài sản đối ứng càng lớn, khiến nhà đầu tư tin rằng mình luôn “nắm đằng chuôi” vì có tài sản của doanh nghiệp trong tay. Thế nhưng, nhà đầu tư không để ý rằng các tài sản này thường có giá trị thực tế còn không đến một nửa số tiền mà họ đã bỏ ra.
Trên đây chỉ là một số chiêu trò thường thấy của mô hình này. Còn rất nhiều các thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết hơn đang được áp dụng bởi các doanh nghiệp này.
Thiếu hiểu biết, nhà đầu tư thành "miếng mồi ngon"
Với loạt những chiêu trò trên doanh nghiệp kinh doanh với mô hình đầu tư nhỏ lợi tức cao dễ dàng khiến các nhà đầu tư bị choáng ngợp, từ đó ngầm hiểu rằng các doanh nghiệp này có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có khối tài sản khổng lồ để đảm bảo cho các khoản đầu tư.
Sau khi có được lòng tin, các doanh nghiệp này sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với nhà đầu tư. Thông thường, các hợp đồng này được đặt tên là hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh, cũng có một số doanh nghiệp sử dụng tên khác như hợp đồng vay vốn, hợp đồng góp vốn… Tuy nhiên, điểm chung ở các hợp đồng này là doanh nghiệp sẽ lồng ghép các điều khoản có lợi về phía mình.
|
Luôn cam kết hợp đồng pháp lý đầy đủ, đàng hoàng |
Dĩ nhiên, doanh nghiệp nào cũng cam đoan hợp đồng mà nhà đầu tư ký kết có lợi cho cả đôi bên, có tính chất pháp lý rõ ràng, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Thậm chí, nhiều trường hợp doanh nghiệp cam kết trả lại toàn bộ số tiền đầu tư trong trường hợp phá sản hoặc giải thể.
Do thiếu kiến thức pháp luật, các nhà đầu tư thường không nhìn ra bản chất của các hợp đồng này, và cho rằng nếu ký kết thì quyền và lợi ích của họ được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, đội ngũ sales, marketing của doanh nghiệp cũng làm rất tốt trong việc đánh lạc hướng các nhà đầu tư, để họ chỉ nhìn thấy lợi nhuận trước mắt, bỏ qua những hiểm họa mà đặt bút ký.
Thực tế, các hợp đồng này chỉ có tên gọi là hợp tác đầu tư hay vay vốn, trong khi bản chất của chúng lại là huy động vốn trái pháp luật. Khi có tranh chấp xảy ra, hợp đồng có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu, và người phải mọi chịu thiệt hại là các nhà đầu tư chứ không phải doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này không ngần ngại “thả con săn sắt bắt con cá rô”, thực hiện đúng cam kết là trả cả gốc và lãi cho nhà đầu tư trong những lần đầu tiên tham gia vào các gói đầu tư. Thế nhưng, tại các gói đầu tư sau đó, thông thường có giá trị cao hơn (do nhà đầu tư đã hoàn toàn tin tưởng), thì các doanh nghiệp sẽ đưa ra những lý do như thị trường kinh tế biến động, khó khăn trong hoạt động kinh doanh… để kéo dài thời gian trả gốc và lãi.
|
Thu hút nhà đầu tư với nhiều gói đầu tư đa dạng, cam kết lợi nhuận cao |
Khi số lượng nhà đầu tư tham gia vào mô hình này sụt giảm, nhận thấy không còn thu về nhiều lợi nhuận, doanh nghiệp dạng này sẽ vin vào một lý do nào đó để để tuyên bố phá sản. Theo quy định pháp luật hiện nay, các nhà đầu tư cũng không thuộc hàng ưu tiên để trả lại các khoản tiền đã đóng góp.
Thông thường, sau khoảng 2 - 3 năm, doanh nghiệp với mô hình đầu tư nhỏ lợi tức lớn sẽ tuyên bố phá sản, để lại những khoản lỗ cho nhà đầu tư. Chỉ một thời gian ngắn sau, một doanh nghiệp mới tương tự sẽ được thành lập, tiếp tục chu trình lôi kéo đầu tư rồi lại phá sản.
Cũng có trường hợp, một số nhà đầu tư “nhìn” ra được bản chất của những doanh nghiệp này và trở thành kẻ được lợi, khi chỉ đầu tư vào trong thời gian ngắn hạn, sau khi thu được gốc và lãi thì dừng, không đầu tư nữa. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nhận biết được thời điểm phải dừng lại hay có may mắn thu hồi đủ số tiền đã bỏ ra. Với tâm lý chủ quan, cho rằng mình luôn là người chủ động thắng thế, không ít người mất hết số tiền đã bỏ ra, thậm chí ôm thêm một đống nợ khi tham gia đầu tư vào doanh nghiệp dạng này.