Trồng mít Thái ruột nghệ của gia đình bà Xuân trở thành mô hình điển hình trong phong trào chuyển đổi vườn tạp kém hiệu quả tại địa phương.
Năm 2012, bà Lê Thị Xuân, thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa đầu tư mua trên 150 cây mít thái ruột nghệ vàng tứ quý về trồng trên diện tích gần 1 ha vườn đồi. Sau quá trình đầu tư, chăm sóc, bà thấy cây mít Thái phù hợp với điều kiện đất đồi rừng, nhanh cho quả nên năm 2015 bà tiếp tục đầu tư trồng thêm 100 cây mít Thái.
|
Bà Lê Thị Xuân Thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa: Tôi thấy cây mít giống này nếu chọn chuẩn giống về ở đất mình 2 năm đã cho ra quả, quả nặng 30 đến 40 kg. Tôi thấy giống mít Thái ruột nghệ tứ quý trồng hiệu quả... |
Đến nay, trên 150 cây mít Thái trong vườn của gia đình bà Xuân đã và đang cho thu hoạch. Do mít Thái ruột nghệ tứ quý cho trái quanh năm nên quân bình mỗi lứa bà để từ 15 đến 20 quả/cây.
Khi thu hoạch trung bình 1 quả đạt trọng lượng từ 5 đến 10kg, có quả đến trên 20 kg. Với giá bán tại vườn 35 đến 40 nghìn đồng/kg, 1 năm bà Xuân có thu nhập trên 300 triệu đồng tiền lãi.
Không dừng lại ở cây mít Thái, đầu năm 2018, gia đình bà Xuân đầu tư trồng 30 cây mít giống Malaysia. Đến nay, giống mít Malaysia sinh trưởng tốt, đã cho trái. Dự kiến cuối năm 2020, diện tích trồng mít Malaysia sẽ cho thu hoạch.
Theo bà Xuân, để cây mít sinh trưởng, phát triển, cho quả đều, đảm bảo chất lượng, ngoài việc cắt tỉa bớt quả, để lại từ 15 đến 20 quả /cây, thì 1 năm bà sử dụng phân chuồng hoai mục kết hợp với phân bón NPK, vôi bột, chia làm 3 giai đoạn để bón cho cây, giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh.
Nhờ đó, mít thái ruột nghệ tứ quý tại trang trại của bà cho thu quả quanh năm, chất lượng đảm bảo an toàn, được thương lái đến tận vườn thu mua, không lo đầu ra.
Từ mô hình trang trại trồng mít Thái ruột nghệ tứ quý mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình bà Lê Thị Xuân đang được Hội nông dân xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa xem là điển hình, tuyên truyền cho các hội viên học tập kinh nghiệm để nhân rộng nhất là trên diện tích đất đồi rừng, vườn tạp của gia đình.
|
Mô hình trồng mít thái ruột nghệ tứ quý ở Ngọc Lặc |
Thành công từ mô hình trang trại trồng mít thái của gia đình bà Xuân, xã Kiên Thọ không chỉ giúp bà làm giầu cho bản thân và gia đình mà còn khẳng định tiềm năng, giá trị đất đai của địa phương, tiếp thêm động lực cho nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, đồi rừng kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao hơn.