Xu hướng giá thịt lợn hơi giảm kéo dài từ trước Tết Nguyên đán tới nay chưa có dấu hiệu phục hồi
Trong tuần qua giá thịt lợn hơi tuần qua vẫn chỉ dao động quanh mức 50.000 đồng/kg. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá thịt lợn hơi chỉ dao động trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 48.000 đồng/kg tiếp tục được ghi nhận tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình. Cao hơn một giá ở mức 49.000 đồng/kg gồm các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Thương lái tại các tỉnh thành còn lại gồm: Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội, Tuyên Quang trong tuần qua vẫn thu mua thịt lợn hơi với giá 50.000 đồng/kg, mức cao nhất khu vực.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá thịt lợn hơi không ghi nhận sự biến động mới và dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Mức này vẫn giữ nguyên không có dấu hiệu nhích lên trong thời gian dài. Với mức giá 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại: Lâm Đồng, Bình Thuận. Trong khi đó, giá thịt lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi vẫn “bám trụ” ở mức “đáy” 48.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại duy trì thu mua ổn định trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Mức cao nhất 52.000 đồng/kg được ghi nhận vào ngày 30/3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Mau. Thấp hơn một giá, tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Kiên Giang thương lái đang thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg.
Mức giá này đã tiếp tục giảm khoảng 5.000 – 6.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán (giá lợn hơi dao động khoảng 52.000 -53.000 đồng/kg).
Tính chung, trong tuần qua, giá lợn hơi ít biến động. Mức giá trung bình vẫn quay quanh mốc 50.000 đồng/kg. Trong đó, ngày 2/4, mức giá lợn hơi trung bình tại khu vực miền Bắc vẫn đứng ở mức 49.690 đồng/kg; khu vực miền Trung – Tây Nguyên đứng ở mức 49.210 đồng/kg; khu vực miền Nam đứng ở mức 51.000 đồng/kg.
Thời gian qua, giá lợn hơi ở nhiều nơi xuống thấp. Ảnh minh họa.
Theo báo Đại Đoàn Kết, hiện người chăn nuôi lại đang chịu chi phí thức ăn chăn nuôi cao, dịch bệnh phức tạp khiến bà con phải mất thêm tiền thuốc thú y. Người nông dân đang phải chi khoảng 58.000-60.000 đồng/kg lợn hơi khi mua con giống. Do đó, với mức giá thịt lợn hơi trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi đang lỗ khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, tương đương 360.000-600.000 đồng/con. Trước tình hình như vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang có xu hướng giảm đầu con, hạn chế công suất của trại để tránh thua lỗ.
Một số chủ trang trại lợn lo lắng, đối với những hộ chăn nuôi khép kín chủ động con giống và một phần thức ăn chăn nuôi còn được hòa vốn hoặc lãi ít. Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống, khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí thuốc thú y thêm nữa, thì mỗi kỳ xuất chuồng lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Bởi vậy, đến thời điểm này người nông dân không mặn mà với nuôi lợn thương phẩm vì sợ tiếp tục thua lỗ.
Nguyên nhân giá lợn "lao dốc"
Nêu nguyên nhân của tình trạng giá thịt lợn hơi lao dốc thời gian qua, giới chuyên gia chỉ ra rằng: Nguồn cung dồi dào nhưng sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm mạnh bởi ảnh hưởng của lạm phát; hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm quy mô sản xuất kèm theo đó phải giảm lao động, sức tiêu thụ thịt lợn của các khu công nghiệp và các nhà hàng, quán ăn... cũng đang giảm theo. Mặt khác, giá các loại thực phẩm như: gà, trâu, bò, trứng, thủy sản… ở mức thấp, vì vậy người tiêu dùng còn có xu hướng giảm ăn thịt lợn dẫn đến lượng thịt lợn tiêu thụ giảm.
Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chăn nuôi lợn sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp chăn nuôi nhận định, phải đến đầu quý II năm 2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại, khi đó sức tiêu thụ thịt mới có thể tăng trở lại.
Làm gì để giải cứu ngành chăn nuôi?
Thông tin trên báo Thanh Niên, trước đó, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh.
Cụ thể, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để kiến nghị giảm thuế khô đậu tương (một trong những nguyên liệu chính để chế biến thức ăn chăn nuôi) từ 2% xuống 0%. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngành chăn nuôi hiện nay đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến sự trên thế giới và tình hình kinh tế suy thoái, dẫn tới giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, trong khi sức mua trên thị trường lại giảm mạnh, khiến người chăn nuôi và cả doanh nghiệp thua lỗ.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết: Sau dịch Covid-19, giá nguyên liệu thức ăn tăng, giá bán lợn thấp dưới giá thành, lại thêm dịch tả lợn Châu Phi nên gây nhiều khó khăn cho người nông dân.
Cũng theo ông Công, cách đây 10 năm cả nước có 10 triệu hộ chăn nuôi; đến năm 2020, số hộ chăn nuôi giảm còn 4 triệu hộ và nay còn chưa đến 2 triệu hộ.
Trước thị trường giá lợn hơi "lao dốc" thời gian qua, những người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, Chi cục Chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi nhiều địa phương đưa ra khuyến cáo, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn cần chủ động theo dõi thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ giống để bổ sung, tái đàn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, thời gian tới, giải pháp thị trường chính là động lực để tháo gỡ khó khăn và duy trì tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Các địa phương cần hỗ trợ người chăn nuôi trong xúc tiến thương mại, tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn hàng rào kỹ thuật và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện công tác chuyển đổi số về lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi cập nhật vào hệ thống dữ liệu quốc gia để tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị gia tăng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trong chăn nuôi; thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, giá thức ăn, giá thành sản phẩm chăn nuôi, giúp người chăn nuôi nắm bắt biến động của thị trường, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, hiệu quả.
Thị trường xuất khẩu thịt trên thế giới cũng biến động
Số liệu trên báo Công Thương cho thấy, trên thị trường thế giới, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, năm 2022 xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Đức đạt gần 2,9 triệu tấn, giảm 6,9% so với năm 2021. Xuất khẩu thịt của Đức giảm rõ rệt trong 5 năm qua. Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu thịt giảm có lẽ là do hạn chế nhập khẩu ở các nước nhập khẩu như Trung Quốc. Năm 2017, có 9,7% tổng lượng thịt xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc, trong khi năm 2022, tỉ lệ này chỉ là 0,1%.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 380.000 tấn thịt lợn, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng vào cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trong năm 2023, đặc biệt là khi nước này đang chống chọi với đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi mới.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dự báo doanh số bán ròng thịt lợn của Hoa Kỳ năm 2023 đạt 38.000 tấn, tăng 7% so với dự báo trong tuần trước và tăng 8% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Xuất khẩu thịt lợn của Hoa Kỳ cũng được dự báo đạt 30.500 tấn, tăng 3% so với dự báo tuần trước và tăng 2% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Xuất khẩu thịt heo của Hoa Kỳ chủ yếu sang các thị trường gồm: Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada.
Theo VTV, năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn (tăng 5 - 5,5% so với năm 2022); Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2022).
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10/2022, Việt Nam nhập khẩu 544.970 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.