Giá dầu thế giới rơi thẳng đứng

Google News

Giá dầu thô thế giới giảm mạnh sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cắt giảm thuế nhiên liệu. Giá dầu WTI rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng.

Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 22/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thế giới WTI đã lao dốc mạnh 6,04 USD/thùng, tương đương 5,45% so với 24 giờ trước đó, xuống 104,6 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm 4,55 USD/thùng (3,96%) còn 110,1 USD/thùng.

Như vậy, dầu WTI - được sản xuất tại Mỹ - đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Theo dữ liệu của AAA Gas Prices, tính đến ngày 22/6, giá xăng trung bình toàn quốc cũng giảm còn 4,955 USD/gallon.

Giá dầu lao dốc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi cắt giảm thuế nhiên liệu nhằm hỗ trợ các tài xế đối phó với giá xăng dầu tăng cao.

Gia dau the gioi roi thang dung

Giá dầu WTI giảm mạnh trong ngày 22/6 xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng. Ảnh: Trading Economics.

Kêu gọi hoãn thu thuế nhiên liệu

"Trong 2 loại dầu, dầu WTI dễ tổn thương hơn. Nếu Mỹ cắt giảm thuế nhiên liệu liên bang, khoảng cách cung - cầu có thể được thu hẹp", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore - trả lời Zing. Tuy nhiên, ông cho rằng với tình hình hiện tại trên thị trường dầu vật chất, giá sẽ khó giảm xuống dưới 100 USD/thùng.

Giá nhiên liệu đã tăng mạnh khi Mỹ bước vào mùa lái xe cao điểm. Bất chấp giá nhiên liệu tăng lên mức cao kỷ lục, người tiêu dùng vẫn tiếp tục chi tiêu cho di chuyển và du lịch, do nhu cầu đã bị kìm nén trong thời kỳ đại dịch.

Reuters đưa tin theo một quan chức cấp cao, hôm 22/6, Tổng thống Biden dự kiến yêu cầu Quốc hội Mỹ thông qua việc hoãn thuế nhiên liệu liên bang 0,184 USD/gallon trong vòng 3 tháng.

Trong 2 loại dầu, dầu WTI dễ tổn thương hơn. Nếu Mỹ cắt giảm thuế nhiên liệu liên bang, khoảng cách cung - cầu có thể được thu hẹp

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore

Ông cũng sẽ kêu gọi các bang tạm dừng thu thuế nhiên liệu. Thuế nhiên liệu địa phương thường cao hơn mức liên bang. Tuy nhiên, phần lớn nghị sĩ thuộc cả 2 đảng đều bày tỏ sự phản đối đối với việc tạm dừng thu thuế liên bang.

Tổng thống Biden và các cố vấn của ông đã thảo luận về vấn đề này trong nhiều tháng. Washington đứng trước áp lực lớn từ giá xăng tăng kỷ lục, góp phần lớn trong việc đẩy lạm phát lên cao.

Việc hoãn thuế xăng dầu liên bang sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Một số nhà quan sát cho rằng lời kêu gọi của ông Biden có thể chỉ mang tính biểu tượng và khó trở thành sự thật.

Bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Mỹ - cho rằng việc hoãn thuế nhiên liệu có thể không tác động nhiều tới giá cả.

"Chỉ riêng việc hoãn thuế nhiên liệu liên bang sẽ không thể giải quyết vấn đề mà chúng ta đang đối mặt", một quan chức Mỹ bình luận. "Nhưng nó sẽ cho phép các hộ gia đình Mỹ có không gian thở trên con đường chống lạm phát dài hơi phía trước", người này nói thêm.

Thúc đẩy tăng công suất

Theo nguồn tin của Reuters, việc hoãn thuế nhiên liệu đến hết tháng 9 sẽ khiến Quỹ Tín thác đường cao tốc của Mỹ mất khoảng 10 tỷ USD doanh thu.

Một số bang, chẳng hạn New York và Connecticut, đã tạm dừng thu thuế nhiên liệu của bang. Những bang khác cũng đưa ra một số biện pháp như hoàn tiền cho người tiêu dùng hoặc hỗ trợ trực tiếp.

Tuần này, Nhà Trắng đã triệu tập giám đốc điều hành của 7 công ty dầu mỏ. Họ thảo luận về các cách tăng công suất và giảm giá nhiên liệu. Khi Mỹ bước vào mùa cao điểm lái xe, giá xăng tăng vọt lên 5 USD/gallon. Giá xăng dầu tăng cao giúp những tập đoàn dầu khí thu lời kỷ lục.

Các nhà máy lọc dầu cũng ngần ngại đầu tư để tăng công suất. Bởi họ không chắc đà tăng của nhu cầu liệu có kéo dài hay không.

Tuy nhiên, theo ông Michael Wirth - Giám đốc điều hành gã khổng lồ năng lượng Chevron, việc đổ lỗi cho ngành công nghiệp dầu mỏ không phải cách để hạ giá nhiên liệu. Ông cho rằng Washington nên thay đổi cách tiếp cận của mình.

Gia dau the gioi roi thang dung-Hinh-2

Trong 3 năm qua, nhiều nhà máy lọc dầu đã phải đóng cửa vì nhu cầu lao dốc trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: Reuters.

Hôm 22/6, Cơ quan năng lượng Quốc tế cho biết trong năm nay, 2.400 tỷ USD sẽ được dùng để đầu tư vào năng lượng, bao gồm khoản chi tiêu kỷ lục cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định điều đó vẫn không đủ để thu hẹp khoảng cách cung - cầu trên thị trường và giải quyết các vấn đề về khí hậu.

Trong khi đó, theo dữ liệu chính thức được công bố hôm 21/6, trong năm 2021, công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm năm thứ 2 liên tiếp.

Các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang chật vật để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đối với những sản phẩm tinh chế như xăng và dầu diesel. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và khiến giá được neo ở mức cao.

Trong 3 năm qua, nhiều nhà máy lọc dầu đã phải đóng cửa vì nhu cầu lao dốc nghiêm trọng trong thời kỳ đại dịch, khiến giá dầu thô tương lai có thời điểm rơi xuống mức âm.

Theo Phương Thảo/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)