Những vị khách đầu tiên sau 2 năm vắng bóng
Tại tọa đàm Thí điểm đón khách quốc tế tới Việt Nam, do báo Dân Việt tổ chức sáng 12/11, ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Du lịch Nhật Minh cho hay, công ty đã đón thành công chuyến bay charter chở 222 khách Hàn Quốc từ sân bay InCheon tới Khánh Hòa. Khách nước ngoài đã được đưa đến cơ sở lưu trú một cách an toàn. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của tỉnh hôm nay đang tiến hành xác nghiệm cho tất cả du khách.
Ngoài ra, còn một chuyến khác chở 207 khách đến từ Tokyo.
Sang tuần, hàng loạt chuyến bay quốc tế sẽ hạ cánh xuống các sân bay Phú Quốc, Đà Nẵng và Nha Trang.
Ông Võ Huy Cường, Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, chia sẻ, ngày 17/11, một chuyến bay của Vietnam Airlines chở khách Hàn Quốc đến nghỉ tại khu du lịch Hoiana (Quảng Nam). Sau đó, ngày 20/11 là hai chuyến bay của Vietjet Air, một chuyến chở 250 khách từ Toyo (Nhật Bản) đến Nha Trang và một chuyến chở lượng khách Hàn Quốc tương tự tới Phú Quốc.
|
Sau 2 tháng vắng bóng khách quốc tế, Việt Nam đón những vị khách đầu tiên trở lại |
Tiếp theo là 24 chuyến bay khác, chủ yếu tập trung về Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, với khách chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,... Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng tái lập lại các đường bay quốc tế.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Ban Tiếp thị bán phát triển (Vietnam Airlines), hãng này đã làm việc với một số thị trường trọng điểm để mở các chuyến bay từ nay đến hết tháng 1/2022. Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ khai thác 15-20 chuyến charter phục vụ khách du lịch quốc tế, nếu khả quan kỳ vọng số lượng chuyến bay sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.
Với thị trường Nga, ông Lê Văn Nghĩa cho hay, khác với các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, du khách người Nga đi du lịch trở về không bị cách ly, đây là thuận lợi rất lớn để công ty tăng cường đón khách. Du lịch Nhật Minh có kế hoạch phối hợp với hãng S7 Airlines, từ tháng 12 mỗi tuần sẽ có 4 chuyến đưa khách đến Cam Ranh.
Đồng thời, hãng hợp tác với một hãng khác lên kế hoạch 1 tuần đón 20 chuyến đến Đà Nẵng, 20 chuyến đến Nha Trang, đang chờ được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Đây là thời điểm rất tốt để đón khách Nga, nhất là khi sắp vào mùa du lịch tránh đông.
Mở không hạn chế
Ngành hàng không, du lịch đều xác định mở cửa không hạn chế thị trường. Điều này được ông Võ Huy Cường lý giải, bởi nếu làm vậy, vô hình chung sẽ hạn chế tính hiệu quả của chương trình thí điểm.
Do dịch bệnh, các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam đã thay đổi. Ví dụ Trung Quốc, trước thời điểm xảy ra Covid-19, không thị trường nào cạnh tranh được. Nhưng hiện tại, Trung Quốc đang theo đuổi chính sách hạn chế người dân ra nước ngoài nên chúng ta khó có thể đón được nguồn khách này.
Ngược lại, trên thực tế, nhiều đoàn khách đi du lịch đi cả tháng, từ châu Âu sang Thái Lan, Singapore, Malaysia,... rồi mới đến Việt Nam; hay khách đường biển chỉ ghé nước ta một đêm, nếu cứ bám sát vào thị trường trọng điểm, lượng khách này rõ ràng sẽ không thể tới Việt Nam, ông Cường nói. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng chính sách miễn visa 1 tháng cho khách quốc tế tới ASEAN như trước đây.
|
Khách Đông Bắc Á là thị trường khách trọng điểm quan trọng của Việt Nam |
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cũng đồng ý với quan điểm trên và cho hay, khi đề xuất, cơ quan này cũng hướng tới các thị trường mục tiêu, có mức độ an toàn cao về phòng chống dịch như Đông Bắc Á, châu Âu, Trung Đông, Úc...
“Tuy nhiên, khi du khách đảm bảo yêu cầu về y tế và xuất nhập cảnh, như Israel, người dân đã tiêm tới mũi thứ 3, nhu cầu tới Việt Nam cũng rất cao, thì không có lý do gì để hạn chế họ cả”, ông dẫn chứng.
Sẵn sàng đón khách
Đến thời điểm này, 5 địa phương thí điểm đều có phương án, lên quy trình, chuẩn bị cơ sở hạ tầng đón khách quốc tế.
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, khẳng định mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, tỉnh đã sẵn sàng đón khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến Phú Quốc. Một tổ công tác liên ngành, do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt đứng đầu, đã được thành lập để chỉ đạo, điều hành. Vừa qua, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch cũng đã khảo sát, kiểm tra công tác chuẩn bị đón khách tại Phú Quốc.
Như vậy, tới ngày 20/11, đảo Ngọc sẽ đón đoàn khách quốc tế đầu tiên sau 2 năm dừng đón khách. 250 khách sẽ được bố trí nghỉ tại 13 cơ sở lưu trú của Vingroup, Sungroup, Movenpick,... được tham quan, vui chơi, mua sắm tại 9 khu: phố đi bộ ban đêm, cáp treo, VinWonders, vườn thú Safari, sân golf, mua sắm ngọc trai, tham quan hòn Mây Rút kết hợp câu cá...
Trên cơ sở đó, Phú Quốc sẽ đề xuất mở rộng thêm các khu vui chơi giải trí khác.
Tại Quảng Nam, theo ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, từ tháng 4/2021, tỉnh đã khảo sát các điểm du lịch, giai đoạn đầu sẽ đón khách quốc tế tới 3 cơ sở: khu du lịch phức hợp Hoiana, Vinpearl Nam Hội An, khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hội An. Khách sẽ tham quan phố cổ Hội An và di tích Mỹ Sơn.
“Chúng tôi xác định với các khách sạn, nếu đã đón khách quốc tế không đón khách khác; khi tham quan Hội An, Mỹ Sơn sẽ phân luồng khách. Khách được phép tham quan, vui chơi giữa các điểm với nhau”, ông Tường thông tin.
Giai đoạn hai, Quảng Nam sẽ mở rộng, ưu tiên các khách sạn đã đón khách cách ly có thu phí. 5 tháng qua, 27 khách sạn với công suất 4.500 phòng tại địa phương đã đón được gần 25.000 người nhập cảnh về Việt Nam. Ban đầu, tỉnh hướng tới các thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
Theo ông Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, đến giai đoạn này, vai trò của các DN lữ hành là rất quan trọng, vì DN thực hiện tất cả các khâu còn cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ, giám sát. Do đó, các công ty lữ hành cần tập huấn thật kỹ cho nhân viên, làm nhanh ơn, quyết liệt hơn.