Độc đáo 1010 con trâu cực chất của 8x Hà Nội

Google News

Từ những khúc gỗ vứt chơ vơ ở góc vườn, anh Phát đã biến hình thành 1010 con trâu ngộ nghĩnh phủ sơn mài cực độc, không con nào giống con nào.

Đến làng cổ Đường Lâm vào những ngày đầu xuân mới Tân Sửu 2021, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng 1010 tượng trâu được trưng bày tại không gian nhà cổ Đường Lâm của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát.

Sinh năm 1983 tại Sơn Tây (Hà Nội), với niềm đam mê bất tận, sự kiên nhẫn học hỏi và khả năng nắm bắt xu hướng thị trường nhanh nhạy, từ những chất liệu khảm truyền thống như gỗ, vỏ trứng, vỏ trai… anh Phát đã tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường đồng thời tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao.

Mỗi con trâu được anh Phát tạo tác đều có nét đặc biệt, "độc nhất vô nhị".

Hơn 20 năm theo đuổi và gắn bó với công việc tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài dân tộc, anh Phát cho biết, ý tưởng làm 1010 tượng trâu sơn mài của anh xuất phát từ tác phẩm “trâu hoa Lạc Việt” do anh sáng tạo nên đạt giải cao nhất nhóm sơn mài trong cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ năm 2020.

“Đây vừa là động lực vừa cho tôi cảm thấy có trách nhiệm đóng góp cho mỹ thuật nước nhà bằng các tác phẩm điêu khắc trâu với chất liệu sơn mài”, anh Phát bày tỏ.

Theo anh Phát, từ bao đời nay, con trâu là đầu cơ nghiệp và cũng là người bạn thân thiết với người nông dân Việt Nam nên trong năm Tân Sửu, anh muốn gửi gắm tất cả tình yêu và tấm lòng tri ân với mảnh đất quê hương vào 1010 con trâu được làm từ gỗ phủ sơn mài để bán và trưng bày, vừa tạo ra giá trị vật chất, vừa có thể mang giá trị tinh thần phong phú.

Trâu được làm từ gỗ mít và phủ sơn mài.

Mất gần 1 năm miệt mài “chăn” đàn trâu cho đủ 1010 con, bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, anh Phát đã tạo tác ra những chú trâu đặc biệt “độc nhất vô nhị”, không con nào giống con nào. Đơn cử như những chú trâu truyền thống vẫn thấy có màu đen với đôi sừng khỏe mạnh hay tạo dáng trâu như mái nhà, mái đình… Thậm chí là chiếc cổng làng hình con trâu hay “trâu hóa rồng”….

Để làm được những sản phẩm này, theo anh Phát, đó là sự tỉ mỉ của anh và những cộng sự trong hàng chục bước. “Đầu tiên là lên ý tưởng, sau đó tự tay đục, đẽo tạo dáng trên chất liệu gỗ rồi phủ lên nhiều lớp sơn, đánh bóng, khảm trai và tạo phần hồn cho từng con một”, anh Phát nói.

Từ những tượng trâu truyền thống...

Đến hình cổng làng...

Trâu hóa rồng...

Nhìn thoáng qua, nhiều người dễ lầm tưởng trâu được làm từ đất nung.

Nhưng hầu hết được làm từ gỗ mít, là 1 chất liệu truyền thống để làm sơn mài.

Trâu làm từ gáo dừa có thể đựng những đồ vật nhỏ trong nhà.

Ngoài trưng bày, anh Phát vừa làm trâu bán để có kinh phí tái sản xuất.

Các tượng trâu gỗ đều được anh Phát dát vàng, bạc, quét màu lên, khảm trai, trang trí hoa văn tỉ mỉ.

Ngoài trưng bày tượng trâu tại nhà từ nay cho đến hết tháng 4/2021, anh Phát còn cung cấp tượng trâu cho khách tham quan có nhu cầu mua về làm cảnh hay quà biếu với giá từ 1,5-5 triệu đồng/con.

Gắn liền với những tác phẩm điêu khắc con vật ngộ nghĩnh bằng chất liệu sơn mài, không gian trưng bày sản phẩm của anh tại Đường Lâm có khá nhiều tác phẩm toát lên sự tươi vui, độc đáo, rất khác biệt với các sản phẩm sơn mài khác trên thị trường.

Theo Danviet

>> xem thêm

Bình luận(0)